Nội dung chính Tuyên bố chung Việt - Nga, Tổng thống Putin mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga

V.N Thứ bảy, ngày 22/06/2024 20:27 PM (GMT+7)
Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga được phát đi tối 20/6, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam.
Bình luận 0
Nội dung chính Tuyên bố chung Việt - Nga, Tổng thống Putin mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Putin. Ảnh: TTXVN.

Tuyên bố chung Việt Nam - Liên bang Nga chứa đựng nhiều nội dung quan trọng về hợp tác song phương và khu vực cũng như trên các vấn đề toàn cầu. Dưới đây Dân Việt xin giới thiệu các điểm chính của Tuyên bố chung. 

* Chính trị Nga:

- Việt Nam hoan nghênh việc Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử vào năm 2024 và ghi nhận sự ủng hộ của người dân Nga đối với chính sách đối ngoại của ông;

- Việt Nam cực lực lên án vụ tấn công khủng bố vào Tòa thị chính Crocus bên ngoài Mátxcơva hồi tháng 3 và bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố của Nga cũng như việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong nước.

* Nguyên tắc và định hướng của quan hệ:

- Củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một trong những ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, cũng như nâng cao vai trò của hai quốc gia tại mỗi khu vực và trên thế giới.

- Việt Nam và Nga xây dựng quan hệ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

* Tiếp tục triển khai hợp tác nhiều mặt. Tăng cường tương tác song phương, tạo ra các cơ chế hợp tác mới

- An ninh: Hợp tác quốc phòng an ninh giữ vai trò đặc biệt trong tổng thể quan hệ, có độ tin cậy cao, phù hợp với luật pháp quốc tế. Củng cố hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế

- Kinh tế, KHCN:  +Tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính - tín dụng. Tăng cường đầu tư của mỗi nước vào nước bên kia, bao gồm trên các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp, chế tạo máy và năng lượng 

+ Ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam,

+ Quyết tâm đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

+ Khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, bao gồm tăng cường xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia thành lập các cơ sở sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và Nga.

- Nhân văn: + Nghiên cứu sáng kiến của Nga về lập trường phổ thông giảng dạy bằng tiếng Nga tại Hà Nội.

+ Hợp tác trên không gian mạng toàn cầu, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực báo chí, tăng cường phối hợp ngăn chặn thông tin sai lệch và chiến dịch thông tin không thân thiện của các bên thứ ba.

+ Việt Nam đánh giá cao việc Nga lần đầu tiên tổ chức Giải thể thao quốc tế "Thế vận hội tương lai" tại Ka-zan và ủng hộ việc Liên bang Nga tổ chức Đại hội thể thao của các nước BRICS trên tinh thần không phân biệt đối xử, phù hợp với nguyên tắc chung của phong trào Ô-lim-píc.

+ Đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước. Tiếp tục trao đổi về vấn đề di trú, tạo thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc và học tập của công dân Việt Nam tại Nga và công dân Nga tại Việt Nam.

+ Khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức kỷ niệm trang trọng các sự kiện trọng đại trong lịch sử hai nước và quan hệ Việt Nam – Nga trong năm 2025

- An ninh chính trị: +Thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững

+ Ghi nhận thay đổi nhanh chóng trong bức tranh chính trị - kinh tế toàn cầu, củng cố vị thế và tiềm lực của các nước phương Nam. Hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của các nước này trong quản trị quốc tế.

+ Khẳng định nhất quán kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai, được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như phản đối mọi mưu toan bác bỏ, làm sai lệch và xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hai Bên khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục đúng đắn lịch sử, gìn giữ ký ức về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, kiên quyết lên án các hành động tôn vinh, nỗ lực hồi sinh chủ nghĩa phát xít và quân phiệt.

+ Tiếp tục củng cố hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, bao gồm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, không ủng hộ việc chính trị hóa hoạt động của các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

+ Khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước.

Phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế

+ Cam kết thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm, minh bạch và không phân biệt đối xử, dựa trên các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bày tỏ quan ngại về việc chính trị hóa quan hệ kinh tế quốc tế và phân mảnh thương mại toàn cầu, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh không lành mạnh.

+ Thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh công nghệ thông tin và truyền thông, sẵn sàng hợp tác ứng phó các nguy cơ trên không gian mạng, bao gồm liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong công nghệ thông tin và truyền thông, ủng hộ thành lập khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu mang tính đa phương, dân chủ và minh bạch trên cơ sở bảo đảm an ninh thông tin và an toàn cho các mạng Internet quốc gia.

+ Nga đánh giá cao lập trường cân bằng và khách quan của Việt Nam trong vấn đề Ukraine;

+ Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước BRICS và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

+ Ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc khu vực tại Châu Á - Thái Bình Dương, tham gia các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

+ Nga và Việt Nam kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô.

Tổng thống Vladimir Putin mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nga vào thời điểm thích hợp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã vui vẻ nhận lời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem