Biển “nuốt” làng
Theo nhẩm tính của ông Nguyễn Dưỡng (69 tuổi, thôn Trung Lương), từ năm 1975 đến nay, sóng biển đã đánh sập hơn 100 ngôi nhà trong thôn. Nghiêm trọng hơn, 7 năm trở lại đây thủy triều xâm thực đã khiến cho khoảng cách giữa biển và làng chài từ hơn 1km thành chỉ còn vài chục mét và có nơi, biển sát vách nhà dân.
Ông Dưỡng thở dài: “Tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, khi những cơn mưa kéo dài và con sóng xô bờ mãnh liệt hơn thì những hộ dân sống gần mép biển, 1 tháng phải đi lánh nạn nhiều lần. Chỉ cần nghe đài báo nói có sóng to là cả làng nhốn nháo thu đồ đạc lên chùa để nương nhờ. Cứ nghe tin bão là mọi chuyện đánh bắt cá bỏ hết, lo thu dọn đồ đạc đóng cửa cẩn thận, bồng bế con đi, chờ hết nguy hiểm mới quay về”.
Ngôi nhà cũ kỹ của người dân Trung Lương đang bị “đe dọa” bởi con sóng dữ. (Ảnh: D.T)
Người dân tại xóm chài nghèo này đều có nguyện vọng được di dời đến nơi ở mới. Thế nhưng họ băn khoăn khi được đến nơi ở an toàn thì không biết xoay xở tiền nong thế nào để dựng nhà. Bởi vậy, đành làm liều bám trụ để mưu sinh và sống trong cảnh thấp thỏm khi mùa mưa bão.
“Hai vợ chồng tôi già cả, bệnh tật, sống nhờ vào đồng tiền “dưỡng già” của những đứa con. Muốn thoát khỏi cảnh nguy hiểm để đến nơi ở an toàn nhưng với mức mà nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, vợ chồng tôi lấy đâu ra đủ tiền mà cất nhà ở khu tái định cư. Chỉ mong mức hỗ trợ được nâng cao để người dân về nơi ở mới”- bà Trần Thị Sửu (68 tuổi, xóm Chánh Lương) nói.
Sống trong thấp thỏm
Tại xã Cát Tiến đang có khoảng 400 hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm. Ngoài 150 hộ thôn Trung Lương, có trên 250 hộ dân tại thôn Chánh Đạt, Tân Tiến chịu ảnh hưởng từ nạn sạt lở và cứ mưa bão về lại bị ngập úng, cô lập.
|
Ông Dương Thanh - Trưởng thôn Trung Lương cho hay, toàn thôn có hơn 700 người với trên 70 hộ vẫn nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời đến nơi an toàn. Mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển lại bị ăn sâu vào làng. Những hộ dân này đang đứng trong nguy cơ bị triều cường đánh sập nhà cửa bất kỳ lúc nào.
“Hầu hết các hộ dân ở đây thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Hằng năm, cứ vào mùa mưa bão, cán bộ lại đi vận động người dân đến nơi an toàn, người dân thì lúc nào cũng nơm nớp bị sóng cuốn đi. Họ không thể dời đến nơi ở mới do số tiền hỗ trợ quá ít, với mức 20 triệu đồng/hộ thì người dân khó bề xoay xở”- ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Chí Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, địa phương này có khoảng 400 hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm. Ngoài 150 hộ thôn Trung Lương, có trên 250 hộ dân tại thôn Chánh Đạt, Tân Tiến chịu ảnh hưởng từ nạn sạt lở và cứ mưa bão về lại bị ngập úng, cô lập.
“Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đã bố trí đất khu tái định cư diện tích khoảng 3ha (thôn Phương Nghi) để người dân di chuyển về nơi an toàn. Mỗi hộ nhận từ 140 - 150m2 đất theo từng đề án quy hoạch và được ngành chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 20 hộ dân nhận đất, số còn lại không nhận vì không có cách nào xoay xở thêm tiền để làm nhà ở mới” - ông Hoàng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.