Nỗi lo mới của doanh nghiệp địa ốc

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 09/03/2024 18:09 PM (GMT+7)
Những lo lắng về vướng mắc pháp lý bất động sản của các doanh nghiệp đã phần nào lắng xuống khi Chính phủ đang tích cực tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một nỗi lo mới đang "trồi lên", khi sắp cạn quỹ đất phù hợp để phát triển dự án.
Bình luận 0

Doanh nghiệp địa ốc lo quỹ đất sớm cạn

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho hay hiện nay việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp là một khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp (DN) địa ốc.

"Việc các DN đi tìm các quỹ đất tư nhân để mua lại và phát triển dự án thời gian sắp tới sẽ không còn. Vì vậy, Nhà nước hiện nay phải tập trung phát triển quỹ đất để các DN tham gia đấu thầu, đấu giá lại là rất cần thiết", ông Phúc nói và cho biết DN như Phú Đông Group giờ mà đi đền bù, giải tỏa một mảnh đất nào đó để làm dự án thì rất khó khăn và tốn thời gian.

"Phú Đông Group mà giờ đi làm công tác đền bù, giải tỏa để làm dự án tầm hơn 20 ha thì chẳng biết đến bao giờ. Vì vậy, việc Nhà nước chủ động tạo lập nhiều quỹ đất và tổ chức đấu thầu, đấu giá cho các DN. Các DN địa ốc bằng vào chất xám của mình để phát triển dự án tốt nhất", CEO Phú Đông Group nhận định.

Nỗi lo mới của doanh nghiệp địa ốc- Ảnh 1.

Các DN địa ốc lo lắng việc khó tìm ra quỹ đất phù hợp để phát triển dự án thời gian tới. Ảnh: Quốc Hải

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng nhận định nếu có tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước có đủ năng lực thực hiện được việc phát triển quỹ đất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thì đây là "mơ ước" của hầu hết nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

"Các nhà đầu tư đều mong muốn được tiếp cận đất đai công bằng, minh bạch thông qua đấu giá, đấu thầu và lúc đó các nhà đầu tư sẽ không còn nhu cầu tự mình đi 'mua đất' để thực hiện dự án nhà ở thương mại nữa. Thực hiện được việc này thì sẽ xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh", ông Châu nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho rằng có thể phải sau 5-7 năm nữa thì tổ chức phát triển quỹ đất của Nhà nước mới có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để thực hiện được việc phát triển quỹ đất bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Do đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất ở hay đất ở và đất khác, đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Đề xuất này đã được Chính phủ lắng nghe khi mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì báo cáo về "Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật", trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tháng 5/2024.

Vấn đề pháp lý không sớm giải quyết, M&A lĩnh vực nhà đất sẽ càng sôi động

Theo báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán SSI (SSI Research), do năm 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp "trì hoãn thời gian" chờ thị trường bất động sản và tài chính trở lại trạng thái bình thường, một sự hồi phục đang được kỳ vọng để giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn trong năm 2024.

Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại. Trong nước, tâm điểm chính vẫn sẽ là sự phục hồi của ngành bất động sản trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án và tỷ lệ cho vay bất động sản hiện vẫn ở mức cao.

"Nếu như thanh khoản tại thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp không phục hồi nhanh, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Cũng theo SSI Research, năm 2024, nếu như vấn đề pháp lý của các dự án hiện hữu không được giải quyết sớm, dự báo hoạt động M&A sẽ tăng mạnh và tập trung vào các dự án đã đủ tính pháp lý. Nguồn cung ước tính do vậy sẽ có thể cải thiện tích cực từ mức nền thấp trong 2023.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện đối với phân khúc tầm trung tại các thành phố lớn, nơi đang gặp tình trạng thiếu cung lớn mặc dù tốc độ cải thiện có thể chậm, do giá bán vẫn ở mức cao. Mặt khác, dòng bất động sản nghỉ dưỡng có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức.

Về cơ bản, nguồn vốn huy động từ bán dự án đủ tính pháp lý có thể giúp các công ty bất động sản có thêm thời gian cho đến khi giải quyết xong vấn đề pháp lý cho các dự án còn vướng mắc. Chúng tôi dự báo sự phục hồi của thị trường sẽ phân hóa giữa các phân khúc và cần thêm thời gian để có thể tiến đến phục hồi hoàn toàn.

"Các công ty bất động sản có sức khỏe tài chính tốt mới có thể vượt qua thách thức trong 2024. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể đạt mức cao nhất trong quý III/2024 sau đó giảm trở lại theo kịch bản cơ sở của chúng tôi", chuyên gia SSI Research, kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem