Cuộc sống của dân bản đang đi xuống
Trước đây, tộc người Mã Liềng ở Quảng Bình sống hoang dã, chìm đắm trong mông muội trong rừng sâu. Năm 1993, Ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Bình phố hợp với dự án định canh định cư (ĐCĐC) huyện Tuyên Hoá vận động họ rời rừng sâu về sống định cư sát đường mòn Hồ Chí Minh thuộc 2 xã Lâm Hoá, Thanh Hoá.
Đặc biệt với bản Cà Xen, dự án ĐCĐC đã quyết tâm xây dựng nơi đây thành một bản kiểu mẫu. Dự án đã đầu tư đắp đập, khai hoang ruộng nước và bày cách làm lúa nước cho người Mã Liềng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, người Mã Liềng ở bản Cà Xen đã thành thạo trong việc cày ruộng, gieo lúa, nhà nào cũng có chăn nuôi trâu bò, lợn gà. Nhiều gia đình đã có của ăn của để như gia đình ông Hồ Viên, mỗi năm thu hơn gần 5 tấn lúa…
Thế nhưng, mới đây trở lại bản Cà Xen, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến một “bản kiểu mẫu” nay đang đứng trước nguy cơ tái diễn đói nghèo. Bản Cà Xen ngày trước sung túc là vậy mà nay tiêu điều, xuống cấp một cách đáng báo động. Trước đây vườn tược của bà con được rào chắn cẩn thận, xanh ngắt nhiều loại cây lương thực thì nay bỏ hoang mặc cây dại mọc um tùm.
Cánh đồng lúa 4,5ha của bản vụ vừa rồi bà con cũng bỏ hoang không làm. Đã có 4 hộ dân bỏ bản trở lại rừng sâu, nơi trước đây họ từng sinh sống để ở…
Hỏi chuyện ông Hồ Viên, người được xem là sản xuất giỏi nhất bản, ông nói: “Dân bản không ai muốn làm cả. Vì làm cực khổ mà trâu bò của người Kinh thả rông vào bản phá hết, không có ăn”. Theo ông Viên, so với trước đây, thì hiện tại cuộc sống của dân bản bản Cà Xen đang đi xuống; trở lại phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng và gạo cứu trợ của Nhà nước.
Trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo
Theo ông Hồ Chí Thanh – Đảng ủy viên xã Thanh Hóa, phụ trách chi bộ bản Cà Xen, có một nguyên nhân chính, rất đáng sợ, đã làm cho cuộc sống của người Mã Liềng ở bản Cà Xen trở lại trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo đó là họ bị một số đối tượng buôn bán nhỏ “thao túng” bằng rượu, thuốc lá và những món hàng mới lạ được đưa từ dưới xuôi lên. Người dân trong bản đã tự biến mình thành con nợ của những đối tượng này để rồi thường xuyên phải vào rừng khai thác mây, lá nón, gỗ… về trả nợ.
Câu chuyện con bò đổi… chai rượu tưởng chỉ xảy ra với người Rục cách đây 10 năm thì hiện nay lại tái diễn với người Mã Liềng ở bản Cà Xen. Câu chuyện thật như bịa này mới đây xảy ra với Hồ Lùn. Nhà ở cạnh đường nhựa nên hàng ngày thấy mọi người chạy xe máy vù vù, Hồ Lùn thích lắm nhưng không biết làm chi có tiền để mua.
Suy đi nghĩ lại, giờ trong nhà cũng chỉ còn con bò sót lại từ thời dự án cấp cho dùng để kéo cày là có giá trị. Trong bản có ông Thỏn, một người Kinh lên mở quán bán hàng tạp hóa, có đến mấy chiếc xe máy. Hồ Lùn ưng đi xe máy quá nên đến nhà ông Thỏn nói đổi con bò lấy một trong những chiếc xe máy. Tất nhiên là ông Thỏn đổi liền, vì đó chỉ là những chiếc xe máy rẻ tiền mà ông vừa độ lại.
Mà Hồ Lùn cũng vui vì có xe máy để chạy, bò thì không phải chăn. Xe máy chạy được một thời gian thì hết xăng, không có tiền đổ nên để nhà đi bộ. Được một thời gian xe gỉ sét thành đống sắt vụn…Trời mưa, không đi rừng được, lại đang lúc thèm rượu nhưng hết tiền. Nhìn trong nhà không còn chi để bán, chỉ còn lại chiếc xe máy hỏng. Lại đến nhà ông Thỏn để cấn cái xe. Sau khi đã trừ hết các khoản nợ trước đó, cái xe giờ chỉ còn giá trị một chai rượu…
Theo ông Thanh, chuyện mua bán đổi chác của bà con có thể ví như những tấn bi hài kịch, việc trả tiền cho vở kịch ấy luôn thuộc về dân bản Cà Xen.
“Những năm trước ở bản Cà Xen nhà nào cũng có ít nhất 3 con trâu bò nhưng hiện tại số trâu bò đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như Cao Thông, trước đây trâu bò nhiều nhất bản, giờ cũng chỉ còn lại 1 con để kéo gỗ thuê, sống qua ngày. Trong khi đó, những hộ người Kinh bán hàng tạp hóa trong bản thì trâu bò ngày một nhiều thêm, chưa kể những con họ đã bán đi…” – ông Thanh kể.
“Dân bản giận xã lắm!”
Cán bộ xã đã không còn sâu sát, quan tâm đến dân bản Cà Xen nữa. Mùa vụ không có ai chỉ đạo, trâu bò của người Kinh thả vô bản phá hoại hết hoa màu của bà con không có ai ngăn cản”.
Theo ông Hồ Viên, trước đây khi đang còn dự án, bản Cà Xen được huyện trực tiếp quản lý, cán bộ huyện cắm bản quan tâm nên đời sống của dân bản ổn định.
Từ ngày dự án kết thúc (năm 2004), bản Cà Xen được giao về cho xã quản lý và sự quan tâm đã không còn được như xưa.
“Cán bộ xã đã không còn sâu sát, quan tâm đến dân bản Cà Xen nữa. Mùa vụ không có ai chỉ đạo, trâu bò của người Kinh thả vô bản phá hoại hết hoa màu của bà con không có ai ngăn cản. Dân bản bị người ở ngoài vô “lợi dụng” mà cán bộ cũng không biết. Dân bản giận xã lắm...” – ông Viên nói.
Cũng theo ông Viên, vừa rồi xã tiến hành chia đất rừng cho người dân thì lại chia cho dân bản Cà Xen tít trong rừng sâu, cách bản hàng chục km, trong lúc nhiều diện tích quanh bản lại được chia cho người ở ngoài bản. Trong khi đó, một số diện tích đất rừng cấp cho dân bản, có sổ đỏ hẳn hoi nhưng khi dân bản trồng cây thì bị người ngoài bản đến nhổ, nói đó là đất của họ như trường hợp của gia đình chị Phạm Thị Phượng…
Chúng tôi đem câu chuyện mắt thấy tai nghe ở bản Cà Xen phản ánh với lãnh đạo xã Thanh Hóa. Ông Hoàng Công Tiếp – Chủ tịch UBND xã cho rằng không có chuyện chính quyền xã thiếu quan tâm đến bản Cà Xen. Ở Cà Xen, chính quyền xã đã cử 4 tổ chức đoàn thể và phân công một cán bộ Thường vụ phụ trách bản. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi, lãnh đạo xã có biết những trường hợp như: Một số hộ dân bỏ bản vô rừng sinh sống, đất rừng của bà con bị cấp chồng… thì ông Tiếp nói chưa nghe báo cáo…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.