Mỹ đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy viện trợ và cho phép một số quan chức được lựa chọn của Myanmar tới thăm Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần thời gian để xem xét việc nới lỏng hàng loạt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt kéo dài 2 thập kỷ qua đối với Myanmar.
|
Việc bà Aung San Suu Kyi trúng ghế Quốc hội Myanmar đã khích lệ Mỹ nới lỏng cấm vận nước này. |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi vai trò lãnh đạo và tinh thần dũng cảm của Tổng thống Thein Sein sau khi phe đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 1.4 và bà Aung San Suu Kyi - người từng nhận Giải Nobel Hòa bình, được bầu làm nghị sĩ Quốc hội.
Bà Clinton cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng những hạn chế về đầu tư và dịch vụ tài chính tại những khu vực có sự hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cải cách. Các quan chức nói rằng họ vẫn đang xem xét các biện pháp và khung thời gian cụ thể cho việc nới lỏng này. Tuy nhiên, một trong những ưu tiên hiện nay sẽ là cho phép sử dụng thẻ tín dụng tại Myanmar, một trong những quốc gia mà các loại thẻ như MasterCard, Visa và American Express chưa bao giờ được chấp nhận.
Bà Clinton cũng nói rằng, Mỹ sẽ hoàn thành mọi thủ tục cần thiết trong những ngày tới để cử đại sứ tới Myanmar nhằm thực hiện lời hứa thúc đẩy mối quan hệ toàn diện với quốc gia này sau 2 thập kỷ đóng băng.
Trước đó, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng đã chính thức yêu cầu các nước phương Tây nhanh chóng hủy bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, các nhà lãnh đạo của ASEAN đều nhất quán cho rằng việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ có ích cho sự phát triển của Myanmar, đồng thời dư luận cũng cho rằng hành động này sẽ khích lệ các chuyển biến tích cực gần đây của quốc gia Đông Nam Á này.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.