"Cơn khát" thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3)

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 11/06/2022 09:31 AM (GMT+7)
Trước "cơn khát" và lo ngại thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện và nhiều nhà thuốc bên ngoài, không ít người bệnh đang đứng trước… "cửa tử" vẫn còn băn khoăn, trăn trở.
Bình luận 0

Người chạy thận trăn trở khi thiếu thuốc

Chiều 10/5, trao đổi với PV Dân Việt, bà Mai Thị Hường (56 tuổi, ở Thanh Hoá) có chồng phải chạy thận, trú tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, thời gian qua trước thông tin không ít bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến bà tỏ ra vô cùng lo lắng.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3) - Ảnh 1.

Không mua được thuốc tiêm bổ trợ canxi cho chồng, bà Mai Thị Hường phải dùng thuốc viên thay thế. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bà Hường, chồng bà là ông Nhữ Đình Mây (67 tuổi) đều đặn mỗi tuần 3 lần chạy thận suốt 17 năm qua. Việc chạy thận có bảo hiểm xã hội chi trả, tuy nhiên theo bà Hường, toàn bộ thuốc uống, tiêm phải mua bên ngoài. Điều khiến bà lo lắng đó là khoảng hơn 1 năm nay loại thuốc tiêm bổ trợ canxi, phốt pho đang bị thiếu, khó khăn khi đi mua.

"Đối với những người chạy thận lâu năm như chồng tôi rất cần hai loại thuốc này. Tuy nhiên, loại thuốc ống tiêm khoảng hơn 1 năm nay rất khó mua, đặc biệt là thuốc bổ trợ phốt pho. Canxi clorid nếu người bệnh thiếu tiêm vào sẽ hấp thụ luôn. Thuốc bổ trợ phốt pho trong viện cũng không có. Người bị bệnh thận khi ăn trứng, đậu phụ hay uống sữa đậu nành sẽ nổi mẩn ngứa. Chính vì vậy tôi phải hạn chế không sử dụng những loại thực phẩm này", bà Hường nói.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3) - Ảnh 2.

Bà Dương Thị Hoài lấy ra những loại thuốc mình mua để dùng hàng ngày khi chạy thận. Ảnh: Gia Khiêm

Tiếp lời bà Hường, bà Dương Thị Hoài (67 tuổi, ở Nam Định) cho biết, bên cạnh việc lo ngại thiếu thuốc một số thuốc mua ngoài tại các nhà thuốc cũng tăng giá. "Như thuốc tiêm bổ trợ canxi, phốt pho trước tôi mua ở trong Bệnh viện Bạch Mai chỉ cần có đơn của bác sĩ sẽ mua được nhưng giờ bệnh viện cũng không có để bán. Có lúc người chạy thận cần đi khắp nơi tìm mua, thậm chí lên cả khu vực nhà thuốc Bệnh viện Việt Đức. Loại thuốc viên thì hấp thụ chậm hơn, như lọ thuốc viên hỗ trợ canxi trước đây giá chỉ hơn 100.000 đồng thì nay có giá gần 200.000 đồng", bà Hoài chia sẻ.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3) - Ảnh 3.

Nếu không có thuốc trong đơn bà Hoài sẽ được hướng dẫn dùng loại thuốc khác thay thế. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bà Hoài, có loại thuốc bác sĩ kê đơn nhưng mua trong viện và một số nhà thuốc bên ngoài không có. Bà cũng được tư vấn chuyển sang loại thuốc khác công dụng tương đương để thay thế. 

"Chúng tôi mong thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân cũng như những trang thiết bị đầy đủ để người bệnh trong đó có những người chạy thận không bị thiếu thốn", bà Hoài nói thêm.

Bệnh nhân ung thư lo ngại thiếu thuốc trong danh mục BHXH

Là một người điều trị ung thư tại Bệnh viện K, chị N.T.T. (ở Hà Nội) cho biết, đây là lần thứ 3 chị đi hoá trị tại bệnh viện. Khác với hai lần trước, thuốc điều trị cho bệnh nhân như chị đầy đủ thì lần này bác sĩ thông báo trong số thuốc được kê đơn bệnh viện thiếu 1 loại thuộc BHXH chi trả và yêu cầu chị mua bên ngoài nhà thuốc bệnh viện với giá hơn 800.000 đồng. 

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3) - Ảnh 4.

Phiếu phát thuốc, đơn thuốc của người bệnh điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: Gia Khiêm

"Loại thuốc này trong danh mục BHXH chi trả nhưng bác sĩ bảo hết và báo tôi ra nhà thuốc bệnh viện mua loại thuốc tương đương khác. Việc thiếu thuốc trong danh mục BHXH chi trả dĩ nhiên tôi phải mua thuốc bên ngoài với giá hơn 800.000 đồng. 

Số tiền này với tôi không quá nặng nề nhưng với nhiều bệnh nhân nghèo phải mua thuốc bên ngoài nhiều sẽ rất tốn kém. Những lần trước, bác sĩ kê đơn y tá sẽ phát thuốc còn lần này phải xếp hàng mua khá đông tại nhà thuốc bệnh viện. Người bệnh như chúng tôi dĩ nhiên không muốn mất thêm tiền", chị T. chia sẻ.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3) - Ảnh 5.

Người nhà bệnh nhân phải mua một số loại thuốc bên ngoài.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Nỗi niềm đầy trăn trở của những người chạy thận, mắc ung thư (bài 3) - Ảnh 6.

Thuốc được người nhà bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K mua bên ngoài với giá hơn 2 triệu đồng. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, người nhà bệnh nhân N.H.V. điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K chia sẻ, ông V. đã điều trị tại bệnh viện hơn 2 tháng. Trong đó bà phải bỏ số tiền hơn 3 triệu đồng mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện và hơn 1 triệu đồng để mua thuốc bên ngoài. 

"Chồng tôi xạ trị giờ truyền máu để chuẩn bị thủ tục chuyền hoá chất. Nếu thiếu thuốc, nhiều loại thuốc không có trong danh mục bảo hiểm sẽ tốn kém. Thuốc nào không có trong danh mục BHXH chi trả bắt buộc phải mua ngoài. Tôi vừa phải ra ngoài mua tại nhà thuốc loại kích bạch cầu với giá hơn 2 triệu đồng, kim luồn người bệnh cũng phải mua bên ngoài", người nhà bệnh nhân cho biết.

Chia sẻ với PV Dân Việt về vấn đề trên, BS Nguyễn Văn Hải, nguyên trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện K cho biết: "Tình trạng một số bệnh viện công thiếu thiết bị, thiếu dụng cụ y tế, thuốc men là có thật. Hiện tại, tôi vẫn cộng tác mổ cho một số bệnh viện. Ngay như hôm qua (ngày 10/6) tôi mổ cho một bệnh viện công rất lớn, mà cũng không đủ dụng cụ để dùng,... mổ xong 1 ca, lại phải chờ hấp, sấy lại dụng cụ mới làm được ca tiếp theo. Bác sĩ phải chờ đợi, còn bệnh nhân không được phẫu thuật ngay dẫn đến mất thời gian, đau đớn. 

Là người làm chuyên môn, tôi rất mong tình trạng trên sớm được giải quyết, để bác sĩ không bị khó khăn trong công tác điều trị và người bệnh cũng không phải chờ đợi lâu", BS Hải cho biết.

Trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội thừa nhận đang có hiện tượng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược, thiếu vật tư, tiêu hao… xảy ra tại nhiều bệnh viện nhiều nơi. 

"Tôi biết có bệnh viện, bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền... Tại bệnh viện của mình, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo có đủ thuốc, vật tư tiêu hao... Tuy nhiên, việc đấu thầu rất khó, lấy ví dụ với mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng người ta không chào giá rẻ. 

Ngoài ra, quy định là khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường hết được có đủ bệnh nhân để dùng hết thuốc hay không, do đó cũng không dám đấu thầu", lãnh đạo này cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem