Nỗi niềm từ sự “ma mị” trong giấc mơ của đứa trẻ nơi phố cổ

An Du Thứ sáu, ngày 10/07/2015 14:20 PM (GMT+7)
“Cửa sổ” - cuốn truyện tranh của họa sĩ Tạ Huy Long đưa người đọc ngược dòng thời gian trở về với Hà Nội của thời bao cấp, gây ấn tượng nhờ yếu tố rờn rợn, ma mị.
Bình luận 0

Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước hiện lên qua cách tái hiện chân thực của Tạ Huy Long, đó là thời kỳ khó khăn nhưng khó quên với những vật dụng như bát đũa, nồi niêu cho đến chiếc xe đạp kiểu cũ...

img
Tạ Huy Long kể lại tuổi thơ của mình qua "Cửa sổ". Anh cho biết nhân vật chính của cuốn truyện là cái cửa sổ và những con châu chấu chứ không phải cậu bé. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cậu bé trong truyện chẳng phải nhân vật chính và cũng không được nêu bật bởi Tạ Huy Long cho rằng trẻ con hồi ấy đều giống anh cả, anh muốn độc giả tự khám phá dòng cảm xúc chảy trong truyện, những cuộc đối thoại, những hình ảnh về con châu chấu...

Con châu chấu bên kia ô cửa sổ đáng yêu với hình ảnh tự do bay nhảy cùng đôi cánh mỏng tang nhưng cũng đầy ma mị. Con châu chấu đầu người trong giấc mơ của Tạ Huy Long là hình tượng một con người với hai số phận. Chúng đóng vai trò như sợi chỉ xuyên suốt cả tác phẩm, là phương tiện luân chuyển từ thế giới này sang thế giới khác...

Cuốn truyện tranh “Cửa sổ” kèm theo những yếu tố ma mãnh, rờn rợn xuất phát từ giấc mơ của cậu bé Long với ô cửa sổ và những con châu chấu ấy nhưng vương vấn nỗi buồn. Giấc mơ vụt lóe lên giữa cuộc sống bận bịu thường nhật, phảng phất sự mơ hồ mà theo Tạ Huy Long, giấc mơ của anh chỉ là về sự “bay” - nỗi niềm, khao khát của một đứa trẻ phố cổ như anh.

img
Họa sĩ Tạ Huy Long cùng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trương Quý tại tòa đàm "Cửa sổ" - cái nhìn lạ về một Hà Nội quen. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Họa sĩ chia sẻ trong buổi tọa đàm “’Cửa sổ’ - Cái nhìn lạ về một Hà Nội quen” vừa diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp: “Ban đầu ý tưởng hình thành cuốn truyện rất mờ nhạt. Nó chỉ là ám ảnh giấc mơ hồi bé về sự “bay”. Cảm giác bay được rồi nhớ ra đã từng bay, rồi không bay được nữa biến thành sợ hãi”.

Sự sợ hãi đấy ngấm vào con người của Tạ Huy Long và dần dần tạo nên tác phẩm “Cửa sổ”.

Tạ Huy Long kể, anh lớn lên trên con phố Hàng Bồ. Cái cửa sổ là bạn thân của anh mỗi khi bố mẹ đi làm, chỉ còn mình anh trong căn nhà vắng. Cửa sổ chính là nơi giao thoa giữa hai thế giới - bên trong và bên ngoài, là nơi đón ánh sáng cho cả căn nhà nhỏ và cũng là nơi anh được thấy những con châu chấu, từ bé tí cho đến to cỡ cả người cũng cưỡi được trong giấc mơ.

“Ánh sáng rót từ cửa sổ, ánh sáng chạy đến đâu tôi chơi đến đấy, tắm trong khoảng ánh sáng ấy. Nhìn hướng ánh sáng chiếu là biết bố mẹ sắp về hay chưa. Cung bậc cảm xúc đều phụ thuộc vào cái cửa sổ ấy, hôm nào không có ánh sáng là buồn lắm”, họa sĩ nhớ lại.

Thời gian thay đổi, cái cửa sổ ấy đến nay thuộc sở hữu của nhà hàng xóm. Đằng sau cái cửa sổ ấy bây giờ tuy có khác so với hơn 20 năm trước nhưng đối với Tạ Huy Long, đó là năng lượng sống cho cả tuổi thơ của anh khi căn nhà nhỏ không có gác xép và lúc nào anh cũng muốn được khám phá cuộc sống bên ngoài.

img
Hà Nội quen thuộc trong ấn bản do Nhã Nam ấn hành với Bách hóa Tràng Tiền, tàu điện leng keng...
img
Trong giấc mơ, những con châu chấu của cậu bé nơi phố cổ to đến mức có thể cưỡi được

82 trang của cuốn truyện được Tạ Huy Long cẩn trọng trong từng nét cọ, anh tỉ mẩn vẽ tay mà không chọn cách vẽ trên máy tính hiện đại. Mỗi bức vẽ có thể đứng độc lập như một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh về một góc Hà Nội xưa. Hà Nội trong anh có cái gì đó quen mà lạ.

“Hà Nội theo mình từ bé, sự theo đổi dần dần, sự lạ không còn nhiều như hồi bé. Lạ là cái thế giới của Hà Nội qua cửa sổ, thế giới của những con châu chấu”, Tạ Huy Long nói.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tâm sự tại buổi tọa đàm, ông thích cuốn truyện vì nó cựa quậy và chuyển động, ngay trang đầu tiên đã bắt gặp hình ảnh chiếc xe đạp cũ kỹ người bố chở con đi qua cầu Long Biên. Còn nhà văn Trương Quý đánh giá cao cách chọn “tứ” đắt giá - cái cửa sổ của Tạ Huy Long. Anh cho rằng họa sĩ đã kỳ công tái hiện tại dư âm của một thời để luyến tiếc, một cái nhìn về Hà Nội phồn hoa.

Tạ Huy Long sinh năm 1974, là người Hà Nội gốc. Anh là tác giả bộ tranh minh họa cho các cuốn sách Dế mèn phiêu lưu ký, Sự tích chú Cuội Cung trăng, Đam Dôngtranh truyện Lịch sử Việt Nam, Lịch sử nước Việt bằng tranh, Lá cờ thêu 6 chữ vàng

Anh gây ấn tượng với công chúng qua các triển lãm “Ngày xưa tôi là…” (2009) hay “Tôi vẽ tôi” (2012) cũng như nhiều cuộc thi trong và ngoài nước. Các nét vẽ mềm mại cũng như khả năng sử dụng màu nước điêu luyện của anh đã ghi dấu trong lòng độc giả.

Hiện anh là họa sĩ của NXB Kim Đồng.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem