Sáng nay (21.5), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Tại Đại hội, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, thông báo tin vui cho cổ đông, nhất là đối với cổ đông nước ngoài, đó là căn cứ vào quy định của pháp luật, VNM đã điều chỉnh xong ngành nghề kinh doanh và không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Sau Đại hội, HĐQT sẽ thực hiện thủ tục và thông báo cho cổ đông sau khi hoàn tất.
Toàn cảnh Đại hội cổ đông Vinamilk năm 2016.
Tuy nhiên, khá nhiều cổ đông lo lắng việc nới room 100% sẽ dễ bị nước ngoài thâu tóm và băn khoăn trước việc có nên nới room hay không, và việc nới room liệu có làm mất “thương hiệu” của Vinamilk? Trả lời vấn đề này, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết VNM đã xây dựng thương hiệu trong 40 năm qua, thế nên ai cũng lo ngại nước ngoài thâu tóm thương hiệu của Vinamilk. Nhưng bà Liên khẳng định, việc nước ngoài có vào mua cổ phiếu VNM cũng là vì thương hiệu, vì thực tế giá trị thương hiệu của VNM hiện lên tới trên 7 tỷ USD. Bà khẳng định VNM không chỉ là thương hiệu sữa số 1 Việt Nam mà đang vươn ra rất mạnh mẽ trên thế giới, việc nới room cũng để phát triển VNM trở thành tập đoàn đa quốc gia.
Các cổ đông bỏ phiếu thông qua các tờ trình của Đại hội.
Một cổ đông nước ngoài cũng trấn an rằng việc nới room sẽ giúp cổ đông hiện tại có cơ hội nhận giá trị cao nhất từ cổ phiếu chứ không nên lo ngại việc bị thâu tóm.
Nhiều cổ đông khác cũng đặt vấn đề về việc thoái vốn của SCIC (Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) và thời gian thoái vốn. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk cho biết, có thể SCIC sẽ từng bước thoái vốn theo kế hoạch để tập trung đầu tư vào những lĩnh vực khác mà nhà nước giao. Tuy nhiên, không phải thoái vốn là từ bỏ doanh nghiệp và mất thương hiệu.
Các cổ đông cũng lo ngại về tác động của TPP với ngành sản xuất sữa trong nước. Bà Liên trấn an: Với thuế suất bằng 0, sản phẩm ngoại sẽ tràn vào, nhưng phía VNM không sợ mà chỉ lo ngại cho việc sản xuất từ phía người nông dân nuôi bò. Cụ thể, theo bà Liên, hiện giá thành sản phẩm sữa trang trại của VNM khoảng 30-40 cent, tương đối bằng thế giới (khoảng 35 cent), nhưng thế giới được trợ giá. Trong khi đó, sữa của nông dân thế giới phải chịu mức thu mua thấp, tuy nhiên Vinamilk vẫn thu mua sữa ở mức cao để hỗ trợ nông dân Việt.
Tại Đại hội, VNM cũng thông qua kết quả kinh doanh và phương án chia cổ tức năm 2015. Cụ thể, năm 2015, Vinamilk đạt tổng doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.770 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014. Đại hội cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2015 lên tới 6.400 tỷ đồng.
Về kế hoạch năm 2016, Vinamilk đặt chỉ tiêu doanh thu 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.266 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 6% so với kết quả đạt được năm ngoái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.