Nỗi sợ của các startup công nghệ: Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm sụp đổ trong thầm lặng

Thứ năm, ngày 02/02/2023 12:32 PM (GMT+7)
Đối diện với tình hình ảm đạm của nền kinh tế chung, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã rẽ sang hướng đi khác…
Bình luận 0

Không giống như thị trường chứng khoán, không có chỉ số thị trường và giá trị cổ phiếu hàng ngày để phát đi nỗi đau, giao dịch đầu tư giảm cả về số lượng và giá trị trong im lặng đã khiến nhiều công ty công nghệ lo sợ.

Klarna, công ty mua ngay trả sau của Thụy Điển, đã làm chấn động thị trường các công ty fintech tư nhân vào đầu tháng này khi chỉ đạt mức định giá 5,9 tỷ USD thấp hơn 87% so với mức mà các nhà đầu tư mạo hiểm đã đánh giá vào một năm trước.

Nỗi sợ của các startup công nghệ: Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm sụp đổ trong thầm lặng - Ảnh 1.

Đợt giảm giá này cũng xảy ra với các công ty tương tự trên thị trường đại chúng. Cổ phiếu của Affirm, một công ty mua ngay trả sau của Mỹ đã IPO vào năm ngoái cũng đã giảm 87% so với mức đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra, công ty fintech, Block đang phát triển khá tốt cũng  giảm 78% định giá, sau khi 130 tỷ USD bị xóa khỏi thị trường chứng khoán.

Trên thực tế, phần lớn các khoản đầu tư đều đổ vào thị trường của năm ngoái, giúp định giá của các công ty khởi nghiệp tư nhân đang đạt mức cao nhất. Theo nhà cung cấp dữ liệu PitchBook, các quỹ phòng hộ, công ty cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm của công ty và quỹ tương hỗ đã cung cấp 2/3 số vốn cho hoạt động đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu vào năm ngoái.

Nếu hoạt động của các công ty đã được đầu tư trở nên tồi tệ, điều này có thể dẫn đến sự rút lui của nhiều người mới tham gia đầu tư mạo hiểm, gây ra một cú sốc cho thế giới khởi nghiệp công nghệ vốn đã quen với lượng vốn ngày càng tăng.

Theo Coatue, một trong những nhóm nhà đầu tư VC mới, 1,4 nghìn tỷ USD đã tìm được rót vào các công ty tăng trưởng đầy hứa hẹn trên toàn cầu vào năm ngoái, một nửa trong số đó dưới hình thức đầu tư mạo hiểm và một nửa thông qua IPO. Theo tính toán, mức tăng đột biến trong năm trước cao hơn gần 1 nghìn tỷ USD so với mức trung bình 425 tỷ USD mỗi năm huy động được trong thập kỷ trước.

TÂM LÝ SỢ BỊ BỎ LỠ

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm thừa nhận họ từng bị cuốn theo làn sóng đầu tư. Eric Vishria, một đối tác tại Benchmark Capital cho biết: “Nếu có một từ để mô tả nó, thì đó là Fomo”. Ông chỉ ra rằng “nỗi sợ bị bỏ lỡ” đã mang đến sự hỗn loạn ở đỉnh cao của thị trường đầu tư. Đó là mức giá dù rất cao nhưng các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng trả để không lỡ chuyến tàu: thời gian tiến hành thẩm định đã bị rút ngắn đáng kể và các biện pháp bảo vệ nguồn tiền của các nhà đầu tư đã bị lãng quên.

Vishria cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước đã khiến nhiều nhà đầu tư coi đầu tư mạo hiểm như một vụ cá cược. Ông cho rằng khi mức định giá tăng cao, các công ty sẽ thiết lập các chương trình giao dịch cổ phiếu để giám đốc và các nhân viên kiếm tiền, và các nhà đầu tư có thể đánh dấu mức định giá của họ với mỗi vòng vốn mới. Kết quả là ngành đầu tư mạo hiểm trở nên phình to. Nhiều công ty giữ mô hình tư nhân lâu hơn là chuyển sang thị trường chứng khoán.

Quy mô của các quỹ đầu tư mạo hiểm bùng nổ khi các nhà đầu tư đưa số vốn lớn hơn bao giờ hết vào hoạt động. Và kỷ luật đầu tư đã bị nới lỏng, các quỹ đầu tư mạo hiểm rải tiền của họ rộng rãi trên toàn bộ các lĩnh vực thay vì cố gắng chọn ra một số ít những người chiến thắng lớn đã mang lại phần lớn lợi nhuận cho ngành.

SoftBank đã rót 100 tỷ USD vào thị trường đầu tư. Tiger Global cũng đặt cược tại nhiều công ty khởi nghiệp, đã có lúc họ nắm giữ 1 tỷ USD giá trị cổ phần trong các công ty . Tuy nhiên sau đó, cả hai đều tiết lộ những khoản lỗ nặng nề.

Ở đỉnh điểm của thời kỳ bùng nổ đầu tư, các nhà đầu tư không ngại rót tiền vào mọi thứ từ các công ty xe điện như Rivian, đã huy động được hơn 5 tỷ USD vào năm ngoái, cho đến các vụ cá cược công nghệ vào những đột phá khoa học chẳng hạn như phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Jeremy Burton, cựu giám đốc điều hành của Oracle, người hiện đang đứng đầu một công ty phần mềm tư nhân có tên là Observe, cho biết họ từng nhận hai đên ba đề nghị tài trợ mỗi tuần. Tuy nhiên, điều đó hiện đã dừng lại vì sự lạnh giá sâu sắc đã bao trùm thị trường mạo hiểm.

DỰ ÁN RỦI RO CAO

Tình trạng thừa vốn từng thúc đẩy các lĩnh vực khoa học mới phát triển với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Rương kho báu đã mở ra những lĩnh vực mới đầy rủi ro cho nền kinh tế khởi nghiệp. Chẳng hạn, số tiền chảy vào các công ty khởi nghiệp không gian thương mại đã tăng gấp đôi vào năm ngoái lên hơn 15 tỷ USD, theo BryceTech. Trong khi đó, vào giữa thập kỷ trước, các khoản đầu tư hàng năm vào lĩnh vực này là khoảng 3 tỷ USD một năm.

Nhà phân tích không gian Laura Forczyk cho biết: “Có nhiều hoạt động thương mại trong các lĩnh vực nghiên cứu và khám phá không gian của các chính phủ từng được đầu tư tư nhân mạnh mẽ. Nhưng nếu nguồn tiền cạn kiệt, tôi không biết liệu nó có bền vững không".

Howard Morgan, chủ tịch của công ty đầu tư mạo hiểm B Capital ở New York, chỉ ra rằng những nỗ lực khác nhau của ngành công nghệ nhằm cách mạng hóa lĩnh vực vận tải đã có những kết quả đáng tiếc. Các công ty xe hơi không người lái và xe máy điện mà công ty của ông đầu tư đã “không còn giống như dự đoán trước kia về việc họ sắp thay đổi thế giới nữa”.

Một công ty mà B Capital đã đầu tư vào, công ty xe tay ga Bird, từng được định giá gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2020. Sau khi ra mắt công chúng vào cuối năm ngoái và tổng số vốn đã huy động được lên tới gần 900 triệu USD, Bird hiện chỉ có định giá 142 triệu USD.

“Chúng tôi nhận ra rằng có thể thế giới chưa sẵn sàng cho nhiều thứ như chúng tôi nghĩ”,  Morgan nói.

Trong một bài thuyết trình gần đây với các nhà đầu tư, Coatue đã mô tả sự sụt giảm định giá mà họ mong đợi trong thế giới công nghệ giống như sự bắt đầu của hiệu ứng domino. Họ dự đoán  những khoản lỗ lớn sẽ còn lan rộng, bắt đầu từ các công ty internet đến lĩnh vực tiền điện tử và fintech, trước khi ăn sâu vào các lĩnh vực có vẻ vững chắc hơn như phần mềm và chất bán dẫn.

Nếu những dự đoán như thế này là chính xác, thì rất nhiều nhà đầu tư có thể sẽ phải đối mặt với loại lợi nhuận âm chưa từng thấy kể từ vụ sụp đổ dotcom vào đầu thế kỷ.

ĐẶT LẠI KỲ VỌNG 

Nỗi sợ của các startup công nghệ: Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm sụp đổ trong thầm lặng - Ảnh 2.

Vẫn có rất nhiều công ty tăng định giá trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế

Với một lượng lớn tiền mặt vẫn nằm trong các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty mới thành lập với các hoạt động kinh doanh ổn định vẫn có thể mong đợi huy động được tiền với các điều khoản thuận lợi. Công ty vũ trụ tư nhân của Elon Musk, SpaceX, được định giá 125 tỷ USD trong vòng tài trợ mới nhất vào tháng 6, tăng từ 74 tỷ USD vào tháng 4 năm ngoái.

Công ty giao hàng Gopuff (Mỹ), đã huy động được 3,4 tỷ USD trước khi làn sóng đầu tư mạo hiểm bùng nổ. Họ là một trong số nhiều công ty khởi nghiệp có vốn hóa khá cao đã tiến hành sa thải nhân viên và đóng cửa các cơ sở trong những tuần gần đây để tiết kiệm tiền mặt.

Theo một nhà đầu tư của Gopuff, cuộc đua tăng trưởng tốn kém từng là mục tiêu của các startup nhưng hiện nay mục tiêu này không còn ý nghĩa khi nguồn vốn hạn hẹp.

Burton tại Observe cho biết, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã quen với việc chứng kiến các công ty khởi nghiệp phần mềm thành công tăng gấp ba lần doanh thu của họ trong những năm đầu. Tuy nhiên, ông nhận định: “Tôi không chắc điều đó vẫn đúng”. Khi công ty của ông vượt qua giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm và sẵn sàng tăng cường chi tiêu tiếp thị, tuy nhiên, ông dự đoán đó sẽ là một đợt tăng trưởng ít “điên cuồng” hơn: “Tăng trưởng bằng mọi giá sẽ không còn tồn tại trong vài năm tới”.

Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đây có vẻ như là một bước lùi lớn sau những năm hoạt động bùng nổ. Tuy nhiên, có một lý do cho sự bình tĩnh của thị trường: thiết lập lại giúp họ trả giá thấp hơn cho các khoản đầu tư trong tương lai, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đạt được kỷ luật tài chính.

Vishria tại Benchmark nhận định: “Tất cả những kẻ đầu cơ và hành vi gian lận sẽ bị xóa sổ. Chúng ta sẽ chỉ có những người xây dựng thực sự”.

Đó là một tầm nhìn hấp dẫn mà nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đang hướng đến. Nhưng vẫn chưa rõ thị trường đầu tư mạo hiểm sẽ mất bao lâu để thiết lập lại, hoặc bao nhiêu nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp sẽ vẫn đứng vững khi điều đó xảy ra.

Ngô Huyền (Theo vneconomy.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem