So với mấy chục năm về trước, xã hội ngày càng nói nhiều tới tầng lớp giàu có, thường được mệnh danh là “đại gia”. Theo quan điểm của giới quản lý tài sản, tạm coi giàu có là những người có tài sản tính trên đơn vị triệu đô la Mỹ (đương nhiên phải tạm chấp nhận điều kiện tính toán tài sản ở Việt Nam chỉ có tính chính xác tương đối).
Những nẻo đường đại gia
Trong một nghiên cứu mang tính học thuật của mình, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM, cho rằng vì nhiều lý do, cơ cấu xã hội bình quân thu nhập thời bao cấp của Việt Nam đã bị phá hủy và tầng lớp đại gia mới được hình thành trong vòng 30 năm trở lại đây.
Họ sợ nhất là mất tiền và bị tù tội.
Sau năm 1975, chế độ kế hoạch hóa tập trung được áp đặt nhưng vẫn còn nét nào đó của kinh tế thị trường dưới hình thức kinh doanh phi chính thức hay kinh tế hộ gia đình. Một nhóm người đã nắm bắt cơ hội này, hình thành nhóm có tiền đầu tiên và tồn tại đến hôm nay.
Ví dụ ông Đặng Văn Thành có tiền nhờ làm hợp tác xã sản xuất, mua bán cồn và mật. Từ Hợp tác xã Thành Thành Công, ông dùng tiền mua và gây dựng Sacombank. Các đại gia khác như ông Trầm Bê, Phó chủ tịch thường trực Sacombank hay bà Trương Mỹ Lan, người sáng lập Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, cũng khởi nghiệp kinh doanh từ những dòng tiền đầu tiên như vậy.
Ở phía Bắc, nhiều người kiếm nguồn tiền đầu tiên từ kinh doanh chênh lệch giá. Một thời, họ bị gọi là con buôn chuyên “buôn bán, phe phẩy”, có khi không cần bỏ vốn, chỉ cần mang hàng từ nơi này tới nơi khác đã có thể kiếm lời.
Một nhóm khác giàu lên rất nhanh nhờ việc kinh doanh hàng hóa từ nước ngoài (như các nước thuộc Liên Xô cũ, các nước trong khối xã hội chủ nghĩa), rồi họ dùng dòng tiền kiếm được đó tham gia vào thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thành lập doanh nghiệp.
Một nhóm khá nổi bật kiếm được tiền ở các nước Đông Âu, mang về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và hiện là cổ đông lớn trong nhiều ngân hàng thương mại hay các công ty bất động sản. Dòng tiền đầu tiên họ kiếm được là từ kinh doanh thực phẩm, mì ăn liền, buôn bán hàng hóa tại nước ngoài. Đây được xem là điểm khác biệt thú vị của đại gia Việt Nam so với các nước châu Á khác.
Một nhóm các “đại gia” khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tuổi đời kinh doanh của họ trẻ hơn các nhóm trên, như ông Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), ông Lê Phước Vũ (Tôn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (Thủy sản Hùng Vương)...
Nhóm tiếp theo xuất thân từ khu vực nhà nước. Một số từng là giám đốc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sau đó mua thêm tài sản nhà nước hoặc vẫn tiếp tục làm lãnh đạo tại DNNN và có quyền lực vừa từ của cải vừa từ quyền định đoạt đối với doanh nghiệp đó (thường là các doanh nghiệp lớn). Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) hay bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk là ví dụ.
Ở Nga, Trung Quốc, Indonesia và một vài nước cũng có hiện tượng đại gia này. Họ giàu lên từ tài sản nhà nước cộng với sự nhạy cảm trước các cơ hội làm ăn và nhiều DNNN đã rơi vào tay họ. Nhiều đại gia thu được cả mỏ đồng, mỏ than hay tập đoàn xi măng... Tới đây, khi Việt Nam cổ phần hóa nhiều DNNN, nhiều người đặt câu hỏi liệu có xuất hiện những đại gia dạng này?
Ở một số nước như Colombia còn có tầng lớp đại gia hình thành từ buôn bán ma túy hay tham gia hoạt động kinh tế ngầm. Trung Quốc còn có một tầng lớp đại gia thế hệ Internet, còn gọi là đại gia mạng. Ở Việt Nam chưa xuất hiện dạng đại gia này.
Nếu như Trung Quốc có một tầng lớp đại gia là con cháu các quan chức thì ở Việt Nam, nhóm đại gia giàu bằng tài sản thừa kế còn mờ nhạt, hoặc còn ẩn mình. Một số ý kiến cho rằng nhóm này sẽ hình thành rõ nét hơn trong thời gian tới.
Theo Viện Nghiên cứu Hurun (Trung Quốc), lớp triệu phú người Trung Quốc với giá trị tài sản ròng vào khoảng trên 100 triệu nhân dân tệ có độ tuổi trung bình là 45, trong khi những người có 10-99 triệu nhân dân tệ có độ tuổi trung bình 41, tức tầng lớp trung lưu trẻ hơn thượng lưu một chút. Ở Việt Nam chưa xác định được tài sản của nhóm người giàu nhất nên câu hỏi được quan tâm là người giàu thật sự giàu đến đâu sau khi trừ hết nợ nần?
Thị trường tranh những năm gần đây sôi động hơn khi ngày càng có nhiều người mua tranh quý như một kênh cất giữ tài sản. Với giới nhà giàu phương Tây, cất tiền bằng cách mua tranh, rượu quý, đồ cổ, các tác phẩm có giá trị nghệ thuật không còn là việc xa lạ và được xem là cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, bảo toàn tài sản.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy những người có tài sản lớn nhất luôn có phản ứng nhạy bén nhất với các thay đổi của thị trường, của nền kinh tế hay các yếu tố chính trị, xã hội. Trong các khảo sát của chúng tôi, họ luôn có điểm số biến động nhanh và cao nhất”, Ông Debnath Guharoy, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu thị trường Roy Morgan, chia sẻ.
“Đại gia” sợ gì?
Đặt câu hỏi này với một người có kinh nghiệm trong ngành tài chính và quản lý tài sản thì nhận được câu trả lời: đại gia sợ mất tiền và sợ đi tù.
Vấn đề của người giàu là phải luôn luôn giàu. Họ cần bảo toàn tài sản, cần chuyển tài sản sang nhiều dạng thức. Họ dùng tiền tạo thêm tiền, cần sự an tâm về tốc độ sinh lời của tài sản, cần giảm thiểu các chi phí cho việc vận hành khối tài sản đó.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng tỉ phú tại các nước sợ bị đánh thuế. Thuế cao có thể là lý do khiến tỉ phú không còn là tỉ phú nữa. Vì thế mới có chuyện đại gia dùng tiền thuê các công ty quản lý tài sản, công ty tư vấn giúp mình né thuế. Trong chuyện này còn có những mối quan hệ nhạy cảm giữa đại gia và Chính phủ. Đại gia lấy lòng chính phủ bằng nhiều cách nhưng cũng lại tìm cách không để Chính phủ can thiệp vào tài sản của mình.
Các đại gia có chiến lược bảo vệ thu nhập bằng nhiều cách. Trên thế giới cũng có hiện tượng nhóm đại gia lớn bảo kê cho các đại gia nhỏ hơn. Có những đại gia như ông Suharto, Tổng thống Indonesia giai đoạn 1967-1998, trở thành người cầm đầu thể chế để qua đó tự bảo vệ tài sản của mình và hỗ trợ các đại gia nhỏ bảo vệ tài sản.
Ở các nước chưa có nhiều đại gia và nếu có thì tài sản còn ở quy mô nhỏ, không rõ ràng như Việt Nam, nếu chưa đủ giàu để dùng tiền hay chưa đủ quyền lực (trực tiếp hay gián tiếp) để bảo vệ tài sản của mình, một nhóm đại gia có xu hướng giấu bớt tài sản theo một số cách, như để người khác đứng tên tài sản, không công khai tài sản hoặc chuyển một phần tài sản ra nước ngoài... Hiện tượng nhiều đại gia Nga chạy qua Anh, giới nhà giàu Trung Quốc chạy qua Canada và Úc, những nơi có chi phí mua quốc tịch rẻ, cũng trở thành hiện tượng.
Để bảo vệ tài sản, có những đại gia chuyển hoạt động đầu tư qua thị trường khác. Ở Việt Nam bắt đầu có hiện tượng này. Có người mời sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, tức chấp nhận bán một phần sự kiểm soát đối với tài sản. Có người niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán. Đó là cách để tài sản được luật pháp bảo vệ.
(Theo SaigonTimes)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.