Nỗi trăn trở tìm hài cốt em trai: "Mẹ không thể đợi được, con cố mang em về"
Cựu thanh niên xung phong và nỗi trăn trở tìm hài cốt em trai: "Mẹ không thể đợi được, con cố mang em về"
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 27/07/2023 13:00 PM (GMT+7)
"Trước lúc mất mẹ tôi dặn: 'Mẹ không thể đợi được để nhìn thấy nắm xương của em, con ở lại cố gắng mang em về'. Suốt những năm qua tôi luôn trăn trở một ngày… ngày đưa được em về", ông Đào Minh Hồng xúc động nói.
"Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm"
Chúng tôi gặp ông Đào Minh Hồng (88 tuổi, cựu thanh niên xung phong, thương binh hạng 4/4) tại quê nhà ở xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bước sang tuổi gần 90 từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhưng ông Hồng vẫn rất mẫn tường.
Ông Đào Minh Hồng và vợ là Nguyễn Thị Trình (80 tuổi) là 2 trong số 36 cựu thanh niên xung phong xã Nhân Mỹ may mắn sống sót trở về. Hàng ngày ông bà vẫn miệt mài với ruộng vườn, chỉ bảo con cháu.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Hồng đã kể cho chúng tôi nghe về một thời mưa bom bão đạn ác liệt khi tham gia thanh niên xung phong với hành trình gian nan bám rừng, tầm tã hàng tháng trời dưới mưa lớn, bệnh tật… nhưng ý chí quyết tâm "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm".
Ông Hồng nhớ lại, thời thanh niên từng tham gia vào đội quân du kích của xã chiến đấu tiêu diệt quân Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, Đảng và Nhà nước kêu gọi lực lượng thanh niên xung phong ra đi tìm cứu nước theo lời kêu gọi của Bác trong kháng chiến chống Pháp. Chàng thanh niên Đào Minh Hồng khi đó tuổi ngoài 20 đã xung phong đi.
"Lúc đầu chỉ nghĩ tham gia thanh niên xung phong thì công việc lúc đầu bình thường, tuy nhiên càng đi vào các tỉnh miền Trung càng thấy khốc liệt, gian khổ. Lúc cuộc chiến bước vào giai đoạn cam go địch bắn phá, ném những 'cơn mưa' bom thì đang làm ban ngày, chúng tôi chuyển sang làm đêm. Dòng giã nhiều tháng lấy đêm làm ngày, ngày làm đêm nhịp sinh học của người mình thay đổi hoàn toàn, rất mệt mỏi nhưng anh em đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình", ông Hồng nhớ lại.
Khi ấy, 18h giờ tối đoàn thanh niên xung phong ra tuyến làm đến 2h sáng ngày hôm sau. Vừa làm vừa chú ý quân địch. Khi về đến chỗ ở gần sáng ông cùng mọi người chẳng thể nào chợp mắt. Ban ngày thanh niên xung phong vừa sinh hoạt, vừa học tập. Những thanh niên văn hóa mới lớp 3, lớp 4 trưa ăn xong phải lên lớp đi học để sau này có văn hóa.
Ông kể, khi vào chiến trường, ở những nơi trọng điểm, máy bay Mỹ đánh liên tục, khó khăn nhất là làm đường qua sông, qua suối. Làm đường cho xe qua nhưng chỉ đến mấp mé hoặc thấp hơn mực nước để địch khó phát hiện. Khi bắt đầu mở đường 21 từ tỉnh Hà Tĩnh dần vào cho đến Quảng Bình, lực lượng thanh niên xung phong toàn ở trong rừng, cách chỗ mở đường 2-3 cây số để đảm bảo an toàn, tránh địch phát hiện để đảm bảo an toàn.
"Ở trong rừng khổ nhất là vào mùa mưa, mưa to chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, nước dâng lên vài mét, không ai dám bơi qua. Lúc bấy giờ khó khăn, vất vả nhưng anh em ai cũng phấn khởi, quyết tâm. Lúc đầu lực lượng thanh niên xung phong chỉ có hai nhiệm vụ, lao động và học tập. Những năm 1967-1968, cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chúng tôi có thêm 1 nhiệm vụ nữa là chiến đấu. Ai nấy được trang bị vũ khí để chiến đấu như quân đội", ông Thành chia sẻ.
Cựu thanh niên xung phong cho hay, chiến trường khốc liệt nhất là lúc Mỹ bắt đầu đánh bom từ trường. Khi đó Mỹ rải bom từ trường khắp đường đi để làm chậm tiến độ mở đường của mình.
"Loại bom từ trường này gặp kim khí là nó nổ, đứng xa cả 10 mét chỉ cần giơ con dao sắt lên là nổ ngay. Sau này chúng tôi nghĩ ra cách chẻ cây rang (một loại cây tre) thành dây rồi nối lại, trên mỗi dây gắn thêm kim loại. Anh em lúc đó chỉ mặc mỗi quần đùi cẩn thận đi vào hai người hai đầu đi trước để mở đường.
Chỗ nào có bom thì gặp kim loại nó sẽ nổ, sau đó anh cắm cọc làm dấu hiệu, nếu không làm thế mà đi vào thì không biết chết bao nhiêu người. Chứng kiến nhiều đồng đội hi sinh, anh em vẫn quyết tâm, hô khẩu hiệu 'sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm' để động viên nhau", ông Hồng nhớ lại ký ức xưa.
"Mẹ không thể đợi được để nhìn thấy nắm xương của em, con ở lại cố gắng mang em về"
Trầm tư một lúc ông Hồng chia sẻ tiếp, khi ấy Nhà nước cung cấp 7 lạng gạo 1 ngày/người. Tuy nhiên, có những lúc anh em phải nhịn vì giặc đánh phá ác liệt không đi lấy được gạo. Ông nhớ dịp Tết Mậu Thân năm 1968, một đại đội được phân công nhiệm vụ đi lấy gạo nếp để về gói bánh, bị đánh ác liệt không đi lấy được nên Tết năm đó mọi người phải nấu cháo ăn. Dù đói khổ nhưng anh em đồng đội luôn có nhau.
"Mùa mưa ở rừng, quần áo thì có hạn, giặt phơi mấy ngày không khô nên chúng tôi giặt xong vắt khô rồi mặc tiếp nên rất nhiều người bị ghẻ. Có những giai đoạn bị ghẻ nhiều phải rút ra đồng bằng để củng cố lực lượng. Ai chữa khỏi lại tiếp tục quay lại với công việc, ai nấy đều quyết tâm, kiên cường bám đường", ông nói.
Thời kỳ chiến tranh ác liệt thế nên với những người lính thanh niên xung phong như ông Hồng không ai dám nghĩ đến chuyện hạnh phúc cá nhân. Bà Nguyễn Thị Trình (vợ ông Hồng) khi đó là Bí thư chi đoàn của đại đội 356-N35. Ông là đại đội phó phụ trách kỹ thuật. Trên dưới 200 người sinh hoạt cùng đại đội nhưng cả nam, nữ đều xem nhau như anh em, không dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Mãi sau này khi trở về quê hương tình cờ gặp lại nhau cả hai mới nên duyên vợ chồng.
Nhìn lên tấm bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Đào Minh Hường ông Hồng không khỏi xúc động. Ông kể, Liệt sĩ Đào Minh Hường hy sinh năm 1967 khi tham gia chiến đấu ở tỉnh Quảng Trị khi ở tuổi 23 sau 1 năm nhập ngũ.
Liệt sĩ Đào Minh Hường khi đó cùng 10 thanh niên trong làng Chanh lên đường nhập ngũ thì hy sinh cả 11 đồng chí. Đến nay chỉ mới 2 Liệt sĩ quy tập được hài cốt đưa về, hài cốt 9 người còn lại vẫn chưa được tìm thấy.
"Trong lá thư của chính trị viên đơn vị em tôi gửi thư chia buồn có viết, thi hài của em tôi được mai tang ở nghĩa trang của đơn vị. Tuy nhiên đơn vị trong thời chiến nay đây, mai đó nên đến bây giờ sau 55 năm kể từ khi em hy sinh vẫn chưa tìm được hài cốt.
Tôi có vào nghĩa trang đường 9 Nam Lào để tìm em, người trông coi nghĩa trang hướng dẫn tôi tìm đến khu vựa mộ liệt sỹ của địa phương tôi nhưng ngôi mộ có tên chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại bạt ngàn ngôi mộ vô danh. Trước lúc mất mẹ tôi dặn: 'Mẹ không thể đợi được để nhìn thấy nắm xương của em, con ở lại cố gắng mang em về'. Suốt những năm qua tôi luôn trăn trở một ngày… ngày đưa được em về", ông Hồng xúc động.
Ở tuổi gần đất xa trời, ông Hồng vẫn đau đáu trong lòng khi sức khỏe ngày một yếu đi nhưng tâm nguyện của mẹ trước khi mất đến nay ông vẫn chưa thực hiện được. Em trai ông Hồng vẫn nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa.
"Chúng tôi may mắn hơn đồng đội, hơn những người lính đã nằm xuống là còn sống sót trở về. Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tuy nhiên chỉ duy nhất một điều tôi vẫn thấy có lỗi là chưa thể mang em trở về, giờ không còn sức để đi tìm em, không biết làm thế nào nữa… Nói ra để răn dạy con cháu sau này rằng cha ông đã hy sinh xương máu vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc, thế hệ sau này hãy cố gắng xây dựng bảo vệ đất nước ngày một phát triển hơn", ông Hồng chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.