Đôi bên cùng có lợiCó lẽ quan hệ với Nhật Bản là một trong những quan hệ song phương tích cực nhất hiện nay của Việt Nam. Đầu năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam làm điểm công du nước ngoài đầu tiên của mình sau khi tái nhậm chức. Cuối năm, ông lại đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Tokyo. Hiếm có nước nào mà Việt Nam trao đổi lãnh đạo ở cấp cao nhất trong một thời gian ngắn như vậy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc gặp tại Tokyo hồi tháng 12.2013.
Việc Thủ tướng Abe tuyên bố cung cấp 5 tàu tuần tra cho Việt Nam càng chứng tỏ độ tin cậy chính trị đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. Cho đến nay, Nhật Bản mới cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Indonesia.
Các quan hệ thương mại-đầu tư-phát triển càng thể hiện rõ nét tính sâu rộng của mối liên kết này. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Về vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản đang là nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam và ngược lại, Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn thứ hai của Nhật Bản, chỉ sau Ấn Độ. Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định: “Quan hệ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam đã phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đó là sự thể hiện quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta.” Đây cũng là dịp ông tuyên bố hai nước sẽ bắt đầu đàm phán nội dung cụ thể về cung cấp tàu tuần tra; cấp vốn vay mới cho Việt Nam với giá trị khoảng 100 tỷ Yên; khởi động dự án Trường Đại học Nhật Bản tại Việt Nam…
Song phương trong đa phươngMối quan hệ song phương Việt-Nhật tuy vậy không hề tách rời xu hướng phát triển tích cực của quan hệ Nhật Bản-ASEAN. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kinh tế thương mại quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho ASEAN. Bất chấp những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, năm 2012, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại đạt 262,4 tỷ USD và là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN.
Cả Nhật Bản và Việt Nam đều là những nước yêu chuộng hòa bình và mọi hành động đối ngoại đều được tính toán thận trọng để góp phần củng cố hòa bình, giảm xung đột, tránh đối đầu.
|
Đặc biệt, quan hệ an ninh giữa Nhật Bản và ASEAN có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình, trật tự trong khu vực Đông Á. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN tháng 12.2013, việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của tất cả các quốc gia.
Trong lúc Nhật Bản “đau đầu” vì khu vực biển Hoa Đông với Trung Quốc, ASEAN cũng đang chật vật thu xếp với Trung Quốc về Biển Đông. Bởi vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Nhật Bản “tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), đi đôi với việc đàm phán chính thức và thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử COC mang tính tổng thể và ràng buộc và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các bên lên tiếng ủng hộ nhau trong việc giữ gìn an ninh hàng không, hàng hải thông qua việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các thực tiễn, chuẩn mực được khuyến nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Giang Vũ (Giang Vũ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.