Nóng bỏng chuyện kinh doanh gas

Hoàng Thắng Thứ ba, ngày 27/09/2016 17:14 PM (GMT+7)
Có hiệu lực chưa đầy 5 tháng nhưng quá trình thực hiện Nghị định 19/CP về kinh doanh khí hóa lỏng đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bình luận 0

Tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công Thương năm 2016, các doanh nghiệp kinh doanh gas, khí tỏ ra không hài lòng bởi những quy định về điều kiện kinh doanh của Nghị định 19 là quá sức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thậm chí, một số khác còn lo ngại những quy định về điều kiện kinh doanh này không nhằm mục đích quản lý vấn đề an toàn cháy nổ, mà còn đi ngược lại chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước và vi phạm luật cạnh tranh.

img

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas gặp khó khăn bởi những điều kiện quy định trong NĐ 19 vượt quá khả năng của họ

Với hệ thống phân phối gas phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng, đặc biệt ở vùng nông thôn. Nếu các đơn vị này không thể tiếp tục hoạt động, có thể số tiền người tiêu dùng phải trả cho mỗi bình gas sẽ tăng lên do chi phí vận chuyển tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gas tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, các tổng đại lí bán gas hoàn toàn có thể kinh doanh, bán buôn cho các đại lí mà không nhất thiết phải có cửa hàng bán LPG chai với tối thiểu 2.000 chai LPG. Ngoài ra, bà Trang cũng cho rằng không có lý do hợp lý nào để quy định mỗi tổng đại lý phải sở hữu hệ thống phân phối có tối thiểu 10 đại lý, chứ không phải là 7 hay 9 đại lý.

“Một doanh nghiệp có thể ký hợp đồng làm 3 hay 4 tổng đại lý nên khi xin giấy phép mỗi một tổng đại lý lại phải đáp ứng các điều kiện nêu trên là quá bất cập. Quy định về việc đại lý kinh doanh gas chỉ được kí hợp đồng làm đại lý cho một Tổng đại lý hoặc 3 thương nhân đầu mối là hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý.

Còn ông Trần Trung Nhật (Công ty TNHH Sản xuất thương mại gas Thái Dương, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: “Nghị định 19 quy định đối với doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình gas, bồn chứa dung tích 300 mét khối, 20 tổng đại lý hoặc đại lí mới đủ điều kiện trở thành thương nhân phân phối khí. Giấy phép phải tới Bộ Công Thương để xin cấp. Nhưng để có 20 đại lý đủ điều kiện kinh doanh gas, Sở Công Thương tỉnh lại yêu cầu 20 đại lý này phải xuất trình giấy tờ chứng minh là thương nhân của người mà họ đã kí hợp đồng phân khối khí. Tới bây giờ tôi cũng không biết là phải cấp giấy cho thương nhân hay đại lý trước? Tôi muốn hỏi là con gà có trước hay quả trứng có trước? Chả biết đường nào mà đi”.

Ghi nhận ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu và sửa đổi theo hướng loại bỏ các quy định mang tính quy mô kinh doanh.

Tuy nhiên ông Khánh khẳng định: “Trước các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành kinh doanh khí gas, thậm chí phát sinh một số sự việc ảnh hưởng tới quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn là mang lại trật tự cho thị trường, chứ không bao giờ có ý gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Ngoài ra, ông Khánh giải thích thêm: Khi phải đáp ứng đa mục tiêu như vậy, sẽ có những điều kiện thiên về mục tiêu này hơn là mục tiêu khác. Từ đó gây khó khăn cho một nhóm doanh nghiệp nhất định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem