Nóng bỏng dồn điền đổi thửa

Việt Tùng Thứ năm, ngày 16/07/2015 09:01 AM (GMT+7)
Gần 1.000 mẫu ruộng bị bỏ hoang, người dân lập lán trại ngăn không cho máy móc xuống đồng để phản đối những việc làm sai trái của chính quyền xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội). Thôn Yên Nội đang nóng hơn bao giờ hết.
Bình luận 0

Trở lại “điểm nóng”

Yên NộiCuối tháng 4.2015, Báo NTNN đăng tải loạt bài: “Khóc, cười với dồn điền đổi thửa” (DĐĐT), phản ánh những bất cập, những vụ việc dở khóc dở cười của chính quyền và người dân trong việc DĐĐT, trong đó Yên Nội là một điển hình. Sau khi báo phản ánh, vụ việc đã được UBND huyện Quốc Oai  xử lý. Trong đó, huyện đã buộc thôi việc ông Nguyễn Nha Văn - nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, kỷ luật đối với ông Phạm Văn Dung – Bí thư Đảng ủy xã Đồng Quang.

Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc khiến hàng chục người dân đã lập 4 cái lán tại các ngả xuống đồng, treo băng rôn, khẩu hiệu: “Hãy cứu lấy 900 dân Yên Nội”, để ngăn cản máy bừa, cày xuống bừa ruộng. Vì đâu nên nỗi?Để tìm hiểu rõ vụ việc, ngày 15.7, PV Báo NTNN đã trở lại điểm “nóng” Yên Nội. Vừa đến đầu thôn, đứng trên đê chúng tôi đã nhìn thấy hàng chục lá cờ được cắm dọc hai bên đường, tại mỗi ngả đường xuống đồng đều có một cái lán nhỏ được lợp tạm bằng bạt, kê vài thanh gỗ làm sàn.

Tại đây, hàng chục người, già, trẻ, gái, trai đủ cả, đang bàn tán rất sôi nổi. Song ai nấy đều rất cảnh giác,  hễ có người lạ mặt là họ quan sát, dò hỏi kỹ mới tiếp chuyện.Sau khi giới thiệu và xuất trình giấy tờ, chúng tôi được người dân  thay nhau kể về những bất cập, uẩn khúc trong công tác DĐĐT ở xã Đồng Quang. Ông Vương Văn Điệp ở thôn Yên Nội (84 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Quang) cho hay: Thời kỳ phong trào “5 tấn” ở Thái Bình, ở Yên Nội cũng có phong trào sản xuất rất phát triển và trở thành điểm sáng của Hà Tây (cũ) lúc bấy giờ.

Nếu nói người dân Yên Nội không quý ruộng, không biết tiếc ruộng, khi bỏ tới 2 vụ trắng đồng là không đúng, chưa hiểu rõ nguyên nhân vấn đề. “Như báo NTNN cũng đã phản ánh, nếu mổ xẻ ra thì việc DĐĐT ở Đồng Quang còn rất nhiều vấn đề bất cập. Tôi đồng ý, làm việc có lúc đúng, lúc sai, nhưng sai thì phải sửa, đằng này xã, huyện cố tình không sửa, nên buộc chúng tôi phải lập lán để đòi công bằng” – ông Điệp cho hay.

Theo ông Điệp và nhiều người dân có mặt ở lán, hiện người dân chỉ yêu cầu xã, huyện thực hiện 3 vấn đề: Một là chỉnh trang lại đồng ruộng bằng phẳng, đắp lại bờ như cũ. Hai là làm rõ quỹ đất 5% của xã đang quản lý, nếu thừa phải chia cho dân. Bởi theo người dân, hiện xã đang sử dụng diện tích đất lớn hơn 5% theo quy định, và điều đáng nói là có sự “nhập nhằng” trong việc quản lý, cho thuê số diện tích đất này, gây lãng phí quỹ đất, thất thoát tiền của nhà nước.

Thứ ba, làm rõ những diện tích mà chính quyền xã bán cho các xã bên...Ông Nguyễn Đình Hùng bức xúc cho biết, sở dĩ dân lập 4 lán này và cắt cử người trông coi, là vì vừa qua do không thống nhất được phương án DĐĐT, xã, huyện đã cho máy móc xuống để bừa ruộng, đồng thời gieo một tấn thóc giống để cấy.

“Chúng tôi ngăn, vì đồng ruộng chưa được san phẳng. Chỗ thành ao, chỗ thành gò, giao thông, thủy lợi còn bất hợp lý, nhưng họ vẫn cố tình cấy. Chúng tôi chỉ yêu cầu họ san phẳng mặt ruộng, chỉnh lại giao thông, thủy lợi cho hợp lý, chúng tôi sẽ tự nhận ruộng để cày cấy, chứ không cần họ hỗ trợ, nhưng họ không làm. Họ cố tình đưa máy xuống, vì biết kiểu gì chúng tôi cũng ngăn cản, để họ lấy cớ rằng việc gần 1.000 mẫu ruộng bị bỏ hoang là do chúng tôi ngăn cản, để lấp đi việc làm sai trái của mình” – ông Hùng nói.

Yêu sách khó thực hiện

  Hãy cứu lấy 900 dân Yên Nội, chúng tôi đã “đói” 2 vụ nay rồi, nếu không cẩn thận vụ này sẽ tiếp tục đói tiếp. Người làm 900 dân Yên Nội đói là chính quyền xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, chứ không phải chúng tôi muốn đói như thế này”
Ông Vương Văn Điệp

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Toàn – tân Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết, những bất cập này là do bộ máy chính quyền nhiệm kỳ trước để lại. “Tuy nhiên, để một sớm một chiều giải quyết hết những thắc mắc của người dân là không thể.

Lý do vì có những yêu cầu người dân đưa ra rất khó thực hiện được. Ví dụ, người dân yêu cầu lấp 4 cái ao, mà đơn vị thi công đã múc để lấy đất làm đường. Hay việc họ đề nghị làm rõ tổng diện tích đất 5% của xã cũng vậy. Về cơ bản chúng tôi đều nhất trí những kiến nghị của bà con, nhưng phải để cho chúng tôi có thời gian, chứ không thể giải quyết ngay được.  

Xã, huyện cũng đã quyết định dừng việc DĐĐT để tập trung sản xuất và giải quyết từng bước, song người dân cản trở là không phải” – ông Toàn cho biết.Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Canh – Chánh văn phòng UBND huyện Quốc Oai cho biết, quan điểm của huyện về phương án DĐĐT là sẽ yêu cầu đơn vị thi công san gạt lại mặt ruộng, chỉnh lại một số tuyến đường cho hợp lý.

Nhưng ông Canh cũng nói: “Đường đang đắp dọc, bây giờ người dân yêu cầu đắp ngang, kinh phí đắp một con đường hàng tỷ đồng, nên để làm theo yêu cầu của người dân là rất khó. Hơn nữa đây đang là mùa mưa, không thể thi công được, nên chúng tôi đã hoãn việc DĐĐT để tập trung sản xuất. Việc người dân không cấy họ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi”.

Chia sẻ những thông tin này với người dân Yên Nội, hàng chục người dân đều cho rằng, lãnh đạo xã, huyện mới chỉ hứa bằng miệng chứ chưa có giấy tờ, văn bản gì và họ đã bị “lừa” nhiều rồi, nên không tin. “Họ nói vậy, nhưng có giấy tờ gì đâu. Nhỡ chúng tôi nhận ruộng, rồi họ bỏ bê không làm lại giao thông, thủy lợi cho, chúng tôi biết kêu ai? Là nông dân bỏ ruộng ai chẳng tiếc, cực chẳng đã nên phải làm như vậy thôi!” – ông Thắng lo lắng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem