Khóc, cười với dồn điền đổi thửa: Nhiều hệ lụy dai dẳng

Việt Tùng Thứ sáu, ngày 17/04/2015 10:45 AM (GMT+7)
Sự bất hợp lý, thiếu dân chủ trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở một số địa phương như những gì mà PV NTNN ghi nhận cho thấy- ngoài thiệt hại về kinh tế  còn để lại những hệ lụy, những mâu thuẫn giữa bà con láng giềng chưa biết đến bao giờ mới được tháo gỡ...
Bình luận 0

Đói cả làng…

Ở thời điểm này, trên hầu khắp các cánh đồng lúa trong cả nước đã phủ kín đất, xanh mướt và chuẩn bị bước vào thời kỳ con gái. Vậy mà trên cánh đồng ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, thôn 4, 6, 10… xã Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội), thôn Mão Chinh, xã Dương Quang (Mỹ Hào, Hưng Yên), thôn Cẩm Trung, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa, Bắc Giang)… vẫn còn trơ đất, nơi cỏ mọc um…

img
Những ngày này về xã Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội)ở đâu cũng thấy người dân tự tập phàn nàn về việc DĐĐT.  Ảnh: Việt Tùng

Chúng tôi về thôn Yên Nội- nơi có tới 1.000 mẫu ruộng bị bỏ hoang, cách Thủ đô Hà Nội 18km, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn vô vàn khó khăn. Từ đầu làng đến cuối xóm đi đâu cũng gặp người túm ba tụm bảy mặt buồn rười rượi phàn nàn về việc DĐĐT, rồi than vãn, lo lắng không biết nay mai sẽ lấy gì mà ăn.

 

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lan mếu máo: “Gia đình tôi có hơn 600m2 đất ruộng, nay thôn xã thu lại bán cho doanh nghiệp Hưng Hà đổ đất lấp hết ruộng rồi. Vụ này tôi không cấy được một khóm lúa nào, còn lúa trong bồ sắp hết rồi”.

Ông Nguyễn Thế Cung – thanh tra nhân dân thôn Yên Nội tỏ ra rất lo lắng, bởi cả thôn có tới 9.000 nhân khẩu, trong khi đành bỏ hoang hơn 1.000 mẫu ruộng. “Tất cả chúng tôi không ai muốn bỏ ruộng cả, mà do thôn xã làm sai buộc chúng tôi phải bỏ để đòi sự công bằng. Vụ này chắc chắn sẽ đói cả làng, nếu xã, huyện không có biện pháp hỗ trợ” – ông Cung bày tỏ. Cũng theo ông Cung, người dân đã làm đơn gửi lên xã, huyện để yêu cầu đòi bồi thường và đang chờ phản hồi.

Rời Quốc Oai, chúng tôi về thôn Mão Chinh, nơi có tới gần 300ha ruộng bỏ hoang, không khí ở đây cũng rất ảm đạm. Để phản đối việc làm sai trái của chính quyền thôn, người dân đã dựng lều canh ruộng, không cho thôn xã xuống cấy, gieo sạ. Ông Nguyễn Văn Hiển- thành viên trong tiểu ban DĐĐT thôn Mão Chinh cho hay: “Khi phát hiện ra thôn làm sai, chúng tôi đã góp ý, nhưng bí thư, trưởng thôn đều gạt đi. Vụ này cả thôn đói là chắc rồi. Chúng tôi thà đói, đau một lần để làm cho đúng, công bằng, bởi ruộng chia tới 50 năm chứ không phải 1–2 năm mà làm qua loa được”.

Bỏ quê lên phố kiếm cơm

Từ nhiều năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Mão Chinh vẫn trông chờ vào gần mẫu ruộng làm kế sinh nhai. Bà Hồng cho biết, năm được mùa bà thu về khoảng 2,5 tấn thóc, mất mùa cũng được ngót 2 tấn thóc đủ ăn cho cả gia đình, thậm chí dư bà còn bán đi để trang trải sinh hoạt. Nay cả mẫu ruộng không cấy được, có nghĩa vụ này gia đình bà thiếu khoảng 2 tấn thóc. Để có thóc ăn, bà phải sang thôn bên xin thầu lại ruộng theo tỷ lệ 70% và 30%, nghĩa nếu thu được 1 tạ thóc, thì bà được 70kg, còn hộ có ruộng 30kg. “Hai vợ chồng dự kiến vài hôm nữa sẽ lên Hà Nội nhặt ve chai, hoặc phụ vữa để lấy tiền đong gạo”- bà Hồng chua xót nói.

Còn ở thôn 6, xã Cộng Hòa, sau khi DĐĐT bất thành, ruộng đành bỏ hoang nhiều người đã kéo nhau lên Hà Nội làm xe ôm, phụ vữa, rửa bát để có tiền đong gạo. Biết PV về tìm hiểu vụ việc, anh Nguyễn Văn Tuyến vừa lên Hà Nội làm phụ vữa được nửa tháng đã xin nghỉ để về giãi bày câu chuyện. “Các anh thấy đấy quy trình, cách DĐĐT của thôn sai đã rõ, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm đây. Thanh niên, đàn ông cả thôn đều bỏ làng lên thành phố làm thuê hết, ở nhà còn toàn phụ nữ, người già và trẻ em, quả thật chúng tôi rất lo” – anh Tuyến lo lắng.

Không đủ sức khỏe để lên thành phố làm thuê, nên chị Đinh Thị Thủy đội 7, thôn 4 phải chạy hết xã trên xã dưới, thị trấn để tìm việc. Hễ ai thuê gì chị làm nấy, khi thì rửa bát, nhặt rau cho quán ăn, lúc thì lau nhà, dọn vệ sinh kiếm tiền nuôi con. Chị Thủy nghẹn ngào: “Chúng tôi có thể đói, nhưng không thể để bọn trẻ đói, thất học. Ở quê ít việc, tôi phải cố lên thành phố xem có việc gì thu nhập cao hơn không, chứ ở nhà không đủ ăn”.

Trao đổi với PV về các biện pháp hỗ trợ người dân, cả ông Vương Đắc Thủy– Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa và ông Nguyễn Nhã Văn– Chủ tịch UBND xã Đồng Quang đều có chung câu trả lời: Hiện xã chưa có biện pháp gì, vì nguồn ngân sách có hạn. Còn về giải pháp thì đều đang... xin ý kiến và kinh phí của huyện, nếu huyện “rót” kinh phí, mới hỗ trợ được.

Còn ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang cho biết, ở Mão Chinh, nông nghiệp không phải là nguồn thu nhập chính, tuy nhiên nhiều hộ vẫn phải lệ thuộc vào cây lúa. Ông Thành nói: “Chúng tôi sẽ xin ý kiến huyện để hỗ trợ, còn việc có hỗ trợ hay không, mức hỗ trợ như thế nào là do huyện quyết, bởi xã không thể đủ kinh phí để làm việc này”.

DĐĐT- một chủ trương đúng, giờ chỉ vì những việc làm sai của chính quyền cấp thôn, xã mà đã để lại nhiều hệ lụy buồn đọng lại sau mỗi cánh cổng làng.


Sai đến đâu sẽ sửa đến đó

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Canh – Chánh văn phòng UBND huyện Quốc Oai cho biết: “Hiện huyện đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, xử lý xung quanh vấn đề DĐĐT ở xã Cộng Hòa và Đồng Quang, trên tinh thần sai đến đâu sửa đến đó. Còn việc hỗ trợ, sau khi thanh tra có kết quả, huyện sẽ xem xét”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem