Nóng bỏng giá mía đầu vụ

Thứ ba, ngày 12/10/2010 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mới đầu vụ thu hoạch nhưng giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã lên tới 1.150 đồng/kg, gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái. Giá mía cao, người trồng mía lãi lớn.
Bình luận 0

Mía "ngọt" đầu vụ

Những ngày đầu tháng 10, đi dọc các tuyến kênh Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Đất Sét, Sậy Niếu… ở vùng nguyên liệu mía Hậu Giang (lớn nhất khu vực ĐBSCL), không khí nông dân thu hoạch mía diễn ra nhộn nhịp…

img
Nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thu hoạch mía (ảnh chụp ngày 11-10-2010).

Ngày 11-10, tiếp xúc với NTNN, ông Trần Văn Minh ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy hồ hởi: "Thấy giá mía cao nên cánh đây mấy ngày tui thu hoạch sớm 5 công và bán được giá 880 đồng/kg. Với giá này tui đã lời khoảng 30 triệu đồng, nay nghe lên hơn 1.000/kg tui tiếc hùi hụi...".

Ghi nhận của NTNN trong chiều 11-10, nhiều nông dân trong vùng thấy mía đủ độ chín, được giá là bán liền. Lão nông Võ Văn Xù ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp cho biết gia đình ông trồng 3 công mía giống ROC 11 (1công 1.300m2) vừa thu hoạch được 73 tấn mía và bán với giá 850 đồng/kg lãi hơn chục triệu đồng/công".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong mấy ngày qua có hàng trăm thương lái khắp nơi tìm đến vùng mía Phụng Hiệp thu mua nên đẩy giá mía tăng rất cao. Mới đầu vụ giá mía chỉ 800 đồng/kg thì đến chiều hôm qua đã tăng lên 1.000 - 1.150 đồng/kg tùy theo loại mía và chữ đường. Kỹ sư Trần Văn Tuấn- Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, toàn huyện đã trồng khoảng 10.000ha mía. Năm nay thời tiết thuận lợi nên người trồng mía trúng mùa. Mỗi ha mía lời từ 50 - 90 triệu đồng.

Ở vùng nguyên liệu mía huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, nông dân cũng bắt đầu thu hoạch mía bán cho các nhà máy. Hiện tại mía 10 chữ đường (CCS) giá đến 1.100 đồng/kg. Ông Trịnh Minh Châu- Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng cho biết: "Nông dân thu hoạch mía đủ độ chín nên hiệu quả mang lại rất lớn. Cái lợi trước mắt là nông dân để mía đủ độ chín thì bán giá sẽ cao hơn, nhà máy giảm được giá thành sản xuất…".

Hiện tại, mía nguyên liệu 10 CCS tại cầu cảng của Nhà máy Đường Phụng Hiệp giá 1.000 đồng/kg, tại Nhà máy Đường Vị Thanh là 1.020 đồng/kg. Theo dự báo, sắp tới giá mía sẽ ngày càng tăng do nước lên, chữ đường tăng... nên thương lái sẽ mua với giá cao hơn.

Cạnh tranh nguyên liệu sẽ gay gắt

Niên vụ mía 2010-2011, diện tích mía toàn vùng ĐBSCL khoảng 48.000ha, ước sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. Qua đăng ký, 10 nhà máy đường khu vực ĐBSCL cần đến 3,6 triệu tấn. Nếu các nhà máy dự kiến ép trong 5 tháng sẽ thiếu khoảng 400.000 tấn mía nguyên liệu. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia việc cạnh tranh nguyên liệu sẽ rất gay gắt vào cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: "Đối với các nhà máy đường ngoài tỉnh muốn mua nguyên liệu ở tỉnh Hậu Giang phải đăng ký với tỉnh và có chính sách đầu tư bao tiêu vùng nguyên liệu để tránh tình trạng công ty trong tỉnh bao tiêu vùng nguyên liệu, công ty ngoài tỉnh thâu tóm mua nguyên liệu…".

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: "Các nhà máy cần tuân thủ cam kết thời gian vào vụ sản xuất, tránh tình trạng mua mía trong vùng nguyên liệu giá thấp, ngoài vùng giá cao để đảm bảo cho người trồng mía có lãi từ 40% trở lên".

Những ngày qua, tại kênh Ngã Bảy và kênh Sậy Niếu có hàng trăm ghe lớn, nhỏ ở khắp các tỉnh ĐBSCL về vùng nguyên liệu mía Phụng Hiệp để thu mua mía nguyên liệu. Các nhà máy đường ở Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… đã vào vụ ép mía nên thương lái về vùng nguyên liệu mía Phụng Hiệp (chín sớm) để thu mua mía dù không đầu tư bao tiêu ở vùng nguyên liệu.

Ông Võ Văn Sơn- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết: "Mỗi ngày nông dân ở vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp thu hoạch khoảng 8.000 tấn mía nhưng các nhà máy ở ngoài tỉnh cho thương lái đến thu mua khoảng 4.000 tấn, trong khi họ không đầu tư vùng nguyên liệu. Việc này rất khó kiểm soát…".

Hiện tại Nhà máy Đường Ấn Độ (ở Long An) mỗi ngày thu mua khoảng 2.000 tấn. Theo cam kết với các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL, Nhà máy Đường Ấn Độ sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 5 đến 10-10, tuy nhiên do giá đường tăng cao nên nhà máy này đã "xé rào" hoạt động vào ngày 26-9. Sau khi Nhà máy Đường Ấn Độ hoạt động, nhiều thương lái đến thu mua mía ở vùng nguyên liệu mía của tỉnh Hậu Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem