Nông dân Bình Định “mạnh tay” tái đàn lợn, giá lợn hơi 74.000 đồng/kg vẫn lãi cao

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 25/09/2020 10:19 AM (GMT+7)
Mặc dù giá lợn giống vẫn đang ở mức cao, nhưng nhờ chủ động con giống nên người chăn nuôi ở Bình Định vẫn mạnh dạn tái đàn.
Bình luận 0

Địa phương được xem là nơi tái đàn lợn mạnh nhất ở tỉnh Bình Định là huyện Hoài Ân - nơi được mệnh danh là vựa chăn nuôi lợn của miền Trung với tổng đàn lợn luôn ổn định ở mức trên 300.000 con. Sau thời gian dài bị dịch tả lợn châu Phi, đến cuối năm 2019 đàn lợn ở huyện này chỉ còn 100.000 con. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Hoài Ân đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, bà con tái đàn thuận lợi hơn nên hiện đàn lợn đã tăng lên 210.000 con.

Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân), người thường xuyên nuôi trong chuồng từ 80 - 100 con lợn thịt thương phẩm, cho biết, nguồn lợn giống anh nuôi là từ 12 con lợn nái sinh ra, nên từ năm ngoái đến nay anh đều có lợn thịt xuất bán ra thị trường. 

Anh Bình vừa bán hơn 30 con lợn thịt với giá 74.000 đồng/kg, thu lãi gần 2,5 triệu đồng/con.

Nông dân Bình Định “mạnh tay” tái đàn lợn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Bình (xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: D.T

"12 con lợn nái của nhà tôi vừa đẻ được 60 con lợn con, tôi chuẩn bị đưa chúng sang chuồng khác để nuôi thành lợn thịt. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, lợn sẽ đạt trọng lượng xuất bán, trung bình 75 - 80kg. Mỗi con lợn sẽ tiêu tốn khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn. Nếu bán với giá 74.000 đồng/kg lợn hơi, mỗi con lợn thịt cho tôi thu hơn 5,5 triệu đồng. Trừ 2,5 triệu đồng tiền chi phí thức ăn, tôi còn lãi ròng hơn 2,5 triệu đồng/con" - anh Bình cho hay.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, sở dĩ địa phương này tái đàn lợn mạnh trong bối cảnh giá lợn giống đang rất đắt đỏ là do người chăn nuôi ở đây chủ động được nguồn lợn giống.

Hầu hết các trang trại, gia trại, nông hộ nuôi lợn ở đây đều có vài chuồng đàn nái sinh sản, chúng đẻ ra bao nhiêu, bà con để lại nuôi hết bấy nhiêu. Khi phong trào tái đàn lợn trên địa bàn được đẩy mạnh, thì đàn lợn nái ở đây cũng nhanh chóng tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định, trong những tháng cuối năm, người dân sẽ tái đàn lợn mạnh hơn để cung ứng thực phẩm cho thị trường trong dịp tết. 

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển đàn lợn trong thời điểm này sẽ gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên con lợn như bệnh viêm phổi, bệnh tụ huyết trùng, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường, dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm từ thịt lợn tràn lan, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh xâm nhập vào đàn lợn trên địa bàn.

Chính vì vậy, để tái đàn lợn an toàn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Bình Định đã vào cuộc đầu tư sửa chữa, nâng cấp chuồng trại và ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Thậm chí, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng khu trạng trại chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học, cách xa khu dân cư.

Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho hay, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kinh doanh sản phẩm động vật trái phép. Ngoài ra, hỗ trợ thuốc thú y cho người dân phòng, chống dịch bệnh vật nuôi. Tỉnh cũng đã giải ngân 150 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ tái đàn lợn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem