Lạng Sơn: Tái đàn lợn thận trọng, cả đàn da hồng lông mượt, nhiều chủ trại lãi lớn

An Nhiên Thứ năm, ngày 03/09/2020 06:30 AM (GMT+7)
Giữa "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi, nhiều lão nông Lạng Sơn vẫn tự tin tái đàn lợn thành công. Với cách làm thận trọng, kỹ thuật nuôi an toàn, đàn lợn tại các trang trại vẫn ăn no ngủ kỹ, da hồng lông mượt, cho doanh thu từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Bình luận 0

Chưa bao giờ nghề chăn nuôi lợn lại khiến người nông dân lo lắng và bất an như hiện nay. Tình hình dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng vẫn tồn tại âm ỉ khiến những hộ tái đàn vừa nuôi lợn vừa lo ngay ngáy. Tuy nhiên, nhờ sự quyết đoán, chăm chỉ cộng với sự tỉ mẩn, thận trọng, nhất là áp dụng kỹ thuật nuôi an toàn, nhiều lão nông xứ Lạng nuôi lợn đã tái đàn thành công. 

Thận trọng trong tái đàn lợn, nhiều nông dân xứ Lạng thắng lớn - Ảnh 1.

Lão nông Lương Văn Thương chăm sóc đàn lợn tại trại lợn của gia đình.

Đơn cử như trại lợn của lão nông Lương Văn Thương (SN 1971, thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). 

Ông Thương cho biết, trước đây gia đình ông chăn nuôi lợn theo kiểu nhỏ lẻ. Năm 2015, ông thí điểm nuôi trên 1.000 con lợn, sau đó từ năm 2016, gia đình bắt đầu mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn lên đến 1.800 con. Tuy nhiên khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, 2 khu chuồng nuôi lợn của gia đình bị nhiễm virus, chết và phải tiêu huỷ sạch bách không còn bóng lợn nào. Thiệt hại kinh tế của gia đình ông lên đến hàng trăm triệu đồng.

Gần đây, nhận thấy tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, giá lợn hơi tăng cao, vợ chồng ông đã quyết tâm cải tạo chuồng trại, vận dụng mọi giải pháp chăn nuôi an toàn để gây giống tái đàn. Từ 30 con lợn nái già còn sót lại, đến nay, trong chuồng nuôi của gia đình ông đã có hơn 400 con lợn thịt và 70 con lợn nái.

“Lứa này tôi chưa nuôi nhiều, chỉ gây giống được hơn 400 con lợn con để nuôi vì một phần vốn liếng cũng cạn sau cơn đại dịch, phần khác cũng sợ dịch quay lại. Nhiều người cũng đến "gạ" tôi bán con giống với giá hời nhưng tôi nhất quyết không bán bởi tôi đang muốn gây lại đàn, lấy lại vốn sau cơn khủng hoảng do dịch bệnh vừa qua”, ông Thương tâm sự. 

Thận trọng trong tái đàn lợn, nhiều nông dân xứ Lạng thắng lớn - Ảnh 2.

Trại lợn của gia đình ông Thương "nội bất xuất ngoại bất nhập" để đảm bảo phòng chống dịch bệnh lây nhiễm.

Cũng giống như nhiều trang trại lợn khác, từ khi dịch bệnh tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế, người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng đang từng bước khôi phục sản xuất. 

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, hiện tại, tổng đàn lợn của huyện Hữu Lũng khoảng 27.100 con, tăng gần 51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các xã có tỉ lệ tái đàn cao như: Đồng Tiến, Yên Bình, Thiện Tân, Vân Nham, Minh Hòa, Minh Sơn… Việc tái đàn lợn được tiến hành thận trọng nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất các rủi ro xảy ra. 

Gia đình anh Nguyễn Hồng Minh (thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi năm 2019. 

Nhìn đàn lợn phải mang đi tiêu hủy tương đương với khoảng 2 tỷ đồng tan biến trong chớp mắt khiến anh Minh không khỏi xót xa. Trải qua nhiều năm chăn nuôi lợn, mặc dù giá cả thị trường lên xuống thất thường, nhưng chưa bao giờ anh Minh suy nghĩ đến hai chữ từ bỏ. 

“Thời điểm năm 2017, giá lợn hơi lao dốc không phanh, chỉ còn 15.000 - 18.000 đồng/kg lợn hơi, gia đình tôi cũng nhiều lần lao đao vì thua lỗ thê thảm và không có nguồn vốn để duy trì đàn lợn nái, lợn giống. Lúc đó gia đình đã phải bán đất rừng để có tiền mua thức ăn duy trì đàn lợn, thậm chí tôi cũng đã nhiều lần phải đi vay nóng với lãi suất rất cao”, anh Minh nhớ lại. 

Thận trọng trong tái đàn lợn, nhiều nông dân xứ Lạng thắng lớn - Ảnh 3.

Anh Minh chăm sóc đàn lợn trong trại lợn của gia đình.

Không nản chí, sau khi dịch lắng xuống, anh Minh đã đầu tư mua lợn nái để sản xuất lợn giống. Lần này, anh Minh vô cùng cẩn trọng, trang trại lợn trở thành nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Ngoài ra, anh còn chủ động rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng không chỉ riêng khu vực chuồng nuôi mà còn phun cách chuồng nuôi từ 100 - 150m. 

Tại khu chăn nuôi, anh thực hiện cách ly hoàn toàn, không cho người lạ vào khu vực chuồng nuôi. Hằng ngày, anh đều vệ sinh, sát trùng dụng cụ chăn nuôi, thu gom và xử lý chất thải… 

"Nhờ thực hiện tốt khâu khử trùng nên đàn lợn của tôi sinh trưởng, phát triển đều. Vừa qua, tôi xuất bán 500 con lợn giống với giá 3,6 triệu đồng/con, trừ chi phí, thu về khoảng 1,4 tỷ đồng. Tới đây, tôi sẽ tăng đàn lên 70 con lợn nái và tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn để từng bước thu hồi vốn," anh Minh tâm sự.

Thận trọng trong tái đàn lợn, nhiều nông dân xứ Lạng thắng lớn - Ảnh 4.

Tại các trại lợn đều ưu tiên phun khử trùng xung quanh trại lợn, đồng thời đảm bảo nghiêm ngặt người ra vào trại lợn.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Tiến (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cũng bắt đầu tái đàn trở lại. 

Ông Ngô Xuân Hội (thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến) cho biết, ông đang có gần 50 con lợn nái và 200 con lợn thịt. Nhờ được nhân viên thú y tuyên truyền, hướng dẫn nên ông tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn. 

"Trước khi tái đàn, gia đình tôi còn đầu tư xây chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát… Tháng 7/2020 vừa qua, tôi xuất bán 140 con lợn thịt với tổng trọng lượng gần 18 tấn với giá bình quân 87.000 đồng/kg, trừ chi phí thu nhập khoảng 700 triệu đồng," ông Hội cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem