|
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Sở Giao dịch Ngân hàng No&PTNT (Hà Nội) |
Ngày 30-6, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (1999-2009).
Ngân hàng vươn tới mọi vùng quê
Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Tong 10 năm thực hiện Quyết định 67, dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn của ngành ngân hàng đã tăng gấp 9 lần và đạt gần 293.000 tỷ đồng (chiếm 16,7% dư nợ nền kinh tế) với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,78%/năm, nguồn vốn trung hạn chiếm 40%, dài hạn chiếm 60%. Trong tổng nguồn vốn này, nguồn vốn từ Ngân hàng No&PTNT Việt Nam chiếm tới 70% và đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện Quyết định 67. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng dần qua các năm, trong đó vốn đầu tư vào ĐBSCL chiếm 28%, đồng bằng Bắc bộ chiếm 18,39%... Đã có hàng chục triệu lượt hộ nông dân và các khách hàng ở khu vực nông thôn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc vay vốn của người dân cũng thuận tiện hơn rất nhiều nhờ mạng lưới giao dịch ngân hàng được mở rộng, riêng Ngân hàng No&PTNT hiện đã có trên 2.300 điểm giao dịch cố định (trung bình 2 – 3 xã có một điểm giao dịch), trên 1.000 xe ô tô giao dịch lưu động về các xã. Ngoài ra, trên địa bàn nông thôn hiện còn có hơn 1.000 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được thành lập đã cơ bản cung ứng được vốn sản xuất cho các hộ nông dân.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế đối với chính sách tín dụng nông thôn hiện nay. Đó là, các nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng và thoả mãn được hết nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nông thôn. Một số khoản vay của Chính phủ cho các chương trình kinh tế, tín dụng ở nông thôn còn đạt hiệu quả thấp, các ngân hàng vẫn chưa liên kết chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành trong vấn đề tiêu thụ hàng nông, thuỷ sản, cũng như vấn đề hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Đồng Tiến: “Nhiều chính sách sau 10 năm thực hiện đến nay đã bị lạc hậu, cần phải điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt là mức vốn cho vay không có bảo đảm bằng tài sản của hộ nông dân”.
Mức vay tối đa mới: 500 triệu đồng
Tại hội nghị hôm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức công bố thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo thông tư này, các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn, hợp tác xã, chủ trang trại được cho vay không có đảm bảo bằng tài sản để thực hiện phương án hoặc dự án sản xuất, kinh doanh sẽ được cho vay với mức: Tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; Tối đa đến 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại.
Ông Tạ Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: “Trước đây, chỉ có Ngân hàng No&PTNT Việt Nam thực hiện Quyết định 67 là chủ yếu, nay khi thực hiện Nghị định 41 cần phải mở rộng thêm các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cùng tham gia thực hiện”.
Về chính sách tín dụng mới, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Mức cho vay không cần thế chấp thực sự là điều mơ tưởng của các hộ nông dân, đặc biệt là các trang trại sản xuất lớn. Tuy nhiên, tôi có nghi ngờ về nguồn vốn vì cuối năm 2009 đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp nông thôn vay vốn rất nhiều, nhưng các ngân hàng đều trả lời hết vốn huy động. Vậy liệu mục tiêu mà Nghị định 41 đặt ra có thể thực hiện được hay không?”.
Theo ông Cường, nên chia đều và luân phiên lần lượt cứ mỗi hộ 10 triệu trong ngắn hạn và luân phiên liên tục. Hơn nữa, với hạn mức cho vay lần lượt là 500 triệu đồng, 200 triệu đồng, 50 triệu đồng có thể sẽ dẫn đến thực tế nhiều hộ giàu lên và nhiều hộ nghèo đi, do có hộ không dám vay vì không xây dựng được phương án sản xuất khả thi”.
Sau khi có Quyết định 67, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT Việt Namđã ký kết Nghị quyết liên tịch số 2308 về tín chấp giúp ND vay vốn phát triển sản xuất. Hiện các cấp Hội duy trì 2.300 tổ vay vốn tín chấp với tổng dư nợ 40.000 tỷ đồng. Năm 2003, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng CSXH cũng đã ký văn bản liên tịch số 235 về việc uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, các cấp Hội đang quản lý 70.000 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ khoảng 28.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.