Nông dân “chết” vì bãi rác Đa Phước

Trần Đáng - Hữu Ký Thứ hai, ngày 29/02/2016 13:00 PM (GMT+7)
L.T.S: Những sai phạm của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) đã được Thanh tra TP.HCM kết luận. Tuy nhiên, hệ quả mà bãi rác Đa Phước gây ra cho địa phương còn khủng khiếp hơn vì việc này sẽ kéo dài hàng thập niên: gần như hủy hoại việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của bàn con nông dân; làm đảo lộn cuộc sống và xóa trắng những khu vực dân cư liền kề bãi rác…
Bình luận 0

Bài 1: Cá, tôm chết trắng ao

Từ khi hình thành bãi rác Đa Phước, không những cá tôm trên sông Rạch Chiếc ngày càng cạn kiệt, mà việc nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân cũng đứng trước áp lực trắng tay khi nguồn nước bị ô nhiễm.

img

Ông Trần Văn Thiệt (xã Phong Phú) và những con cá chết vào cuối năm 2015.   ảnh:T.Đ

 Bà con nông dân nuôi trồng thủy sản tại hai xã: Phong Phú và Đa Phước (Bình Chánh) giờ vẫn nhớ như in “tai họa” vào cuối năm 2015. Trong đêm bãi rác Đa Phước xả thải trực tiếp ra sông Rạch Chiếc, gần 200 hộ nuôi cá, tôm chỉ còn biết bất lực, rơi nước mắt đứng nhìn cá, tôm lần lượt chết trắng ao.

Tài sản cuốn theo nguồn nước độc

Biết tin chúng tôi về xã Phong Phú, anh Nguyễn Ngọc Thắng – một nông dân nuôi cá, tôm thuộc hàng nhiều nhất tại đây, nằng nặc mời về ao xem anh thả tôm giống. Gần 100.000 con tôm giống được anh thả trong đợt này. Thắng bảo, từ cái ngày tai họa cuối năm 2015, giờ anh mới hoàn hồn mà tiếp tục nuôi trồng thủy sản.

  Kết luận của Thanh tra TP.HCM cho thấy, theo hợp đồng, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Đa Phước) sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế, phần còn lại sẽ chôn lấp. Tuy nhiên, trên thực tế Đa Phước đã chôn lấp toàn bộ với công suất 3.000 tấn/ngày. Sau khi bãi chôn lấp số 3 (Phước Hiệp, Củ Chi) đóng cửa, rác dồn về Đa Phước khoảng hơn 5.000 tấn/ngày, tức vượt mức đã đăng ký. 

Thắng kể, anh làm nghề nuôi cá, tôm hơn chục năm nay. Hiện anh nuôi hơn 5ha cá, tôm. Mỗi năm thu hoạch gần chục tấn. Sau tai họa cuối năm 2015, mấy tấn cá, tôm sắp đến ngày thu hoạch trong ao của anh chết nổi trắng ao. Chúng tôi hỏi, sao biết nguồn nước bị ô nhiễm gây chết tôm, cá là do bãi rác Đa Phước xả thải ra sông? Vừa thả tôm giống xuống ao, anh Thắng vừa cho biết, trước đó, nông dân ở xã Đa Phước theo dõi bắt quả tang nhân viên bãi rác Đa Phước lén lút mở ống xả thải ra sông Rạch Chiếc. Họ bắt nhân viên này rồi kéo nhau ra khu bãi rác phản đối. “Vài ba năm gần đây, cá, tôm bà con nuôi trồng ở đây chết nhiều. Có năm 2, 3 đợt cá, tôm chết. Người dân đâu biết lúc nào nước sông bị ô nhiễm. Nếu đúng lúc đó mà lấy nước vào ao nuôi cá, tôm thì coi như tài sản tiêu tan”- anh Thắng nói.

Trên bờ đê tại ấp 3 (xã Đa Phước), anh Nguyễn Huy Bình mình mẩy lấm lem sình lầy đang thất thần ngồi nhìn ao tôm cạn đáy. Chính cái ao tôm này mà năm ngoái khiến anh Bình tán gia bại sản. Ba đợt nuôi tôm công nghiệp thất bại cả ba mà nguyên nhân chính vẫn do nguồn nước sông bị ô nhiễm. “Đợt cuối năm ngoái tôm mới thả nuôi được một tháng thì nước sông tràn bờ vào khiến tôm chết sạch”- anh nói. Theo anh Bình, ở ấp 3 Đa Phước có khoảng 60 hộ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Hiện, để có cái ăn cho gia đình, anh phải lội sình đi bắt từng con cá bống dừa, cá chạch. “Tôi định vay tiền nuôi tôm tiếp chứ không làm gia đình lấy gì sống”- anh bần thần nói.

Đi xin hỗ trợ!

Theo ông Lương Văn Chính – Trưởng ấp 3 (Đa Phước), sau sự cố bãi rác Đa Phước xả thải bị nông dân bắt quả tang và gây chết tôm, cá của nông dân nuôi trồng thủy sản vào cuối năm ngoái, có 80 hộ nông dân ở đây được bãi rác Đa Phước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. “Họ (bãi rác Đa Phước) không đánh giá thiệt hại tài sản mà ai bị thiệt hại thì đều nhận được 10 triệu đồng hỗ trợ”- ông Chinh nói.

Tuy nhiên, hơn 30 hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Phong Phú cũng bị thiệt hại cùng thời điểm với các hộ nông dân ở xã Đa Phước lại không được bãi rác hỗ trợ. Lý do tại sao, ông Nguyễn Thành Mỹ - Tổ trưởng tổ 16 (ấp 1, Phong Phú), nơi tập trung nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại cho biết, cán bộ bãi rác Đa Phước cho rằng các hộ dân không có bằng chứng chứng minh nguyên nhân rất có thể là do bãi rác xả thải, mặc dù từ nơi xả thải của bãi rác đến khu vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng chỉ khoảng 1km.

Cảm thấy bất công, ông Nguyễn Ngọc Thắng đã cùng với các hộ dân bị thiệt hại nguồn lợi thủy sản làm đơn xin gửi UBND xã Phong Phú đề nghị bãi rác Đa Phước hỗ trợ tài chính. Nhưng đã hơn 2 tháng qua, đơn đã gửi đi nhưng hồi âm thì bật vô âm tính.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem