Nông dân chưa kết nối được doanh nghiệp

Thứ tư, ngày 05/12/2012 13:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa kịp mừng vui vì là đơn vị đầu tiên trong tỉnh lấy chứng chỉ GlobalGAP trên cây lúa thì các xã viên của HTX Nông nghiệp Phước Trung (Hậu Giang) lại đối mặt với thực trạng giá lúa bán ra thấp, cào bằng với lúa thường trong khi chi phí sản xuất cao.
Bình luận 0

Nguyên nhân, theo GS-TS Võ Thị Gương (Trường ĐH Cần Thơ) - người đồng chủ nhiệm đề tài với HTX Phước Trung trong việc lấy GlobalGAP cho cây lúa Hậu Giang, là do HTX Phước Trung đã không tìm được đầu ra, mà cụ thể ở đây là một doanh nghiệp bao tiêu cho sản phẩm của mình.

Đại diện Công ty CP Lương thực Hậu Giang cho biết, công ty không đồng ý bao tiêu sản phẩm của HTX Phước Trung vì cần phải có một chương trình liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ và nhà sản xuất được lên kế hoạch từ đầu. Công việc này bao gồm từ việc nghiên cứu thị trường, thiết kế bao bì, nhãn mác đến việc quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, phải là một diện tích canh tác lớn hàng mấy trăm, thậm chí cả nghìn ha, chứ không thể nhỏ lẻ mươi ha như của HTX Phước Trung.

Kể cả khi đã có sự liên kết nhưng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Như trường hợp tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre và Công ty Chánh Thu đã “hẹn hò” cùng nhau làm GlobalGAP và lấy chứng nhận cùng một ngày (một bên là vùng trồng, một bên là nhà đóng gói).

Công ty Chánh Thu cũng hứa thu mua hết sản phẩm với giá bán cao hơn thị trường 15 – 20%. Thế nhưng, khi đến mùa thu hoạch, Công ty Chánh Thu chỉ đến lựa mua những trái to, mẫu mã đẹp. Nhiều nhà vườn cho rằng, nếu bán cho công ty thì 70% sản lượng còn lại không tiêu thụ được nên không đồng ý bán. Họ chấp nhận bán xô cả vườn cho thương lái được giá hơn. Hợp đồng từ đó bị phá vỡ.

ThS Đoàn Hữu Tiến - Viện Cây ăn quả Miền Nam nhìn nhận, trong thực tế số lượng các mô hình GAP có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả còn hạn chế. Một phần nguyên nhân do sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Bên nào không mua hoặc không bán đều không có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện nhau.

Quy cách, chất lượng sản phẩm nông dân cung cấp cho doanh nghiệp cũng không đồng đều do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản, số lượng lại hạn chế. Tình trạng nông dân bán sản phẩm cho thương lái vì giá cao hơn, khiến doanh nghiệp bị mất nguồn nguyên liệu, không đáp ứng hợp đồng đã ký với khách hàng diễn ra khá nhiều. Hậu quả là doanh nghiệp không có nguồn cung ổn định, doanh nghiệp bị mất lòng tin với khách hàng, còn nhà vườn chịu cảnh đầu ra bấp bênh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem