Nông dân đồng lòng, nông thôn mới Sóc Sơn tiến nhanh hơn
Nông dân đồng lòng, nông thôn mới Sóc Sơn tiến nhanh hơn
Thoa Chu
Thứ năm, ngày 18/11/2021 15:30 PM (GMT+7)
Xuất phát điểm thấp nhưng nhờ sự đồng lòng góp sức của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tiến nhanh hơn. Giờ đây, huyện ngoại thành Thủ đô này đã khoác lên mình diện mạo mới với 100% xã đạt chuẩn NTM; hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện...
Trong số nhiều nông dân tham gia góp ngày công, hiến đất cho địa phương xây dựng NTM ở Sóc Sơn không thể không kể tới gia đình ông Ngô Văn Thêm (ở xóm Trong Ngoài, xã Phủ Lỗ).
Dù là hộ khá khó khăn nhưng ông Thêm đã tiên phong hiến 600m2 đất để xóm xây dựng nhà văn hóa. "Khoảng giữa năm 2014, khi thấy cán bộ đến nhà vận động, vợ chồng tôi cũng không suy nghĩ nhiều mà chủ động góp đất luôn cho địa phương làm nhà văn hóa. Xóm có nhà sinh hoạt chung, gia đình, con cháu mình được hưởng, bà con cũng phấn khởi"- ông Thêm chia sẻ.
Không chỉ hiến đất, ông Thêm còn tự nguyện xin trông coi và bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh nhà văn hóa của xóm. "Từ khi có nhà văn hóa, mọi nhà được vào tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thậm chí cả đám cưới... khiến tình làng, nghĩa xóm được bền chặt hơn trước" - ông Thêm khẳng định.
Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhân dân huyện Sóc Sơn đã hiến trên 100.000m2 đất ở và đất nông nghiệp trị giá 300 tỷ đồng, đã có 832 tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng các cấp từ Trung ương đến cấp huyện và hàng nghìn tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng cấp cơ sở.
Cũng nêu gương với ông Thêm, tại xã Tân Hưng cũng có nhiều nông dân xung phong hiến đất để địa phương xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương... như gia đình ông Vương Xuân Hà (thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng) đã ủng hộ 500m2 đất ở và gia đình ông Đỗ Văn Bằng ủng hộ 430m2 đất thổ cư...
"Việc hiến đất không chỉ xuất phát từ cá nhân mà cũng là để thực hiện chủ trương chung "Nhà nước và nhân dân cùng làm" nên bà con chúng tôi luôn sẵn sàng và tự nguyện góp sức, đất, tiền của để xã làm NTM"- ông Vương Xuân Hà nói.
Trước đây, phần đất của gia đình ông Hà cùng nhiều hộ dân trong xóm 4 (thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng) nằm cạnh bờ sông nên khi vào mùa mưa thường bị sạt lở ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Chính vì thế khi được địa phương vận động, hộ ông Hà và bà con đã nhiệt tình hiến đất và góp ngày công để cùng xã xây dựng bờ kè kiên cố. "Có đê kè vững chắc nên bà con cũng yên tâm sinh sống và sản xuất hơn"- ông Hà bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng thôn Ngô Đạo cho hay: Nhờ có sự vào cuộc, đồng lòng của người dân, nhiều công trình thiết yếu cũng như việc thực hiện các tiêu chí NTM tại Ngô Đạo hiệu quả hơn.
Phấn đấu đạt thu nhập 80 triệu đồng/người/năm
Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, thời điểm bắt đầu xây dựng NTM, toàn huyện chưa có xã nào đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau quá trình xây dựng NTM, giờ đây, Sóc Sơn đã khoác lên mình diện mạo mới với 25/25 xã đạt 100% xã đạt chuẩn NTM; hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện; 100% hệ thống được trục đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa...
Với quan điểm xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ông Minh cho hay: Sóc Sơn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được tại các địa phương.
Đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng làm tiền đề để xây dựng đô thị vệ tinh Sóc Sơn; ưu tiên đầu tư, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn, tưới tiêu, cấp nước sạch; nâng cấp chợ dân sinh; xây dựng các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung và đưa các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm ra xa khu dân cư.
Về nông nghiệp, Sóc Sơn sẽ tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất tập trung (lúa chất lượng, rau, quả, gà, lợn, thủy sản), các vùng sản xuất trọng điểm, cơ sở sản xuất an toàn, hữu cơ…
"Qua đó, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện sẽ có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm. Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên"- ông Minh khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.