Nông dân Đồng Tháp tái chế rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất
Nông dân Đồng Tháp tái chế rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thành chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất
Huỳnh Xây
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 12:11 PM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất". Thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng.
Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, với diện tích sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu, cây ăn trái…) hàng năm trên 500.000 ha, sau khi thu hoạch, lượng phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp rất lớn, đa dạng và phong phú, nếu tận dụng tốt sẽ giúp gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, lượng phế phụ phẩm nông nghiệp vẫn chưa được khai thác, tái chế, tận dụng một cách hiệu quả nhất, gây ra lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Xuất phát từ thực tế trên, tháng 8/2023, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện thí điểm mô hình "Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất" (gọi tắt là mô hình) tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành.
Mô hình này nhằm mục đích giúp cho hội viên, nông dân tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Cuối năm 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình điểm. Do nhận thấy đạt được nhiều kết quả khả quan, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp quyết định nhân rộng trên địa bàn các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười.
Đến nay, các địa phương đã vận động, hướng dẫn cho 1.079 hộ áp dụng làm chế phẩm men vi sinh IMO, làm được 17.930 lít men vi sinh IMO nước và 21.355 kg nem vi sinh IMO khô; có 311 hộ áp dụng làm 7.700 kg phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, lụt bình…).
Ngoài ra, đã có 11.337 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình. Mô hình còn triển khai đến 57 trường học, 11 chợ và 3 bãi rác về việc áp dụng xử lý mùi hôi không khí,...
Riêng đối với huyện Châu Thành, đã triển khai nhân rộng mô hình tại 12/12 xã, thị trấn, trọng tâm là triển khai đến tất cả 77/77 chi hội và 632/632 tổ hội nông dân nghề nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã và hội quán, với tổng số 2.310/21.211 hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình...
Ông Lý Văn Giàu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình đã giúp đạt được mục tiêu nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân thông qua việc chuyển giao, hướng dẫn nông dân tạo chế phẩm sinh học từ nguồn tài nguyên bản địa để sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, tuần hoàn với chi phí thấp. Đồng thời, bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại, xử lý rác tại nguồn
Ngoài ra, mô hình còn giúp hội viên nông dân bán nông sản giá trị cao, bởi được hướng dẫn tốt các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, xây dựng mẫu mã bao bì, thương hiệu và xây dựng kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
"Mô hình mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững, phù hợp với kế hoạch phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025" - Ông Giàu nói.
Với hiệu quả rất thiết thực của mô hình, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.