Nông dân hỏi nhiều về làm kinh tế

Thứ năm, ngày 20/06/2013 12:15 PM (GMT+7)
Dân Việt - Nuôi vịt supper, cá tầm sao cho hiệu quả, phân biệt cây sưa đỏ thế nào... là những câu hỏi về làm kinh tế trong số hàng trăm câu hỏi bạn đọc gửi tới chương trình trực tuyến "Tiếp sức cho nông dân" diễn ra sáng nay (20.6)
Bình luận 0

Chào mừng Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI (diễn ra từ ngày 30.6 đến 3.7) và nhân kỷ niệm 3 năm ngày ra mắt báo điện tử Dân Việt, tòa soạn báo điện tử Dân Việt tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tiếp sức cho nông dân” vào 10h30 giờ ngày 20 tháng 6 năm 2013 (*).

"Năm qua, tuy nông nghiệp là điểm sáng trong bức tranh kinh tế còn khó khăn, đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn" - Tổng biên tập Báo Dân Việt - Báo NTNN giải thích việc lựa chọn chủ đề trực tuyến ngay khi bắt đầu chương trình.

img
Từ trái sang: TS Đặng Kim Sơn, Tổng biên tập Lưu Quang Định, TS Nguyễn Duy Lượng, Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trong buổi giao lưu trực tuyến sáng 20.6. Ảnh: Đàm Duy

Khách mời tham gia bàn tròn trực tuyến gồm có:

- TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

- TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp-Nông thôn

- Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng.

Đã có hàng trăm câu hỏi, điện thoại về tòa soạn Báo điện tử Dân Việt - Nông thôn Ngày nay. Các vấn đề liên quan đến làm giàu, nông thôn mới, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam... là những mối quan tâm đặc biệt của bạn đọc tại chương trình trực tuyến sáng 20.6.

>> Bấm vào đây để theo dõi toàn cảnh Bàn tròn trực tuyến

img
Toàn cảnh bàn tròn trực tuyến. Ảnh: Đàm Duy

Một câu hỏi gửi TS Đặng Kim Sơn: Chúng tôi là những người nông dân chỉ biết làm ra sản phẩm rồi bán, nhưng mấy năm nay tình trạng được mùa - rớt giá cứ diễn ra liên tục.Thế mà chúng tôi chẳng thấy Nhà nước có biện pháp gì để cứu, trong khi Nhà nước lại sẵn sàng chi 30.000 tỷ đồng để cứu bất động sản ở thành phố. Là người làm chính sách, ông suy nghĩ ra sao về việc này?

TS Đặng Kim Sơn trả lời: Nhà nước không phải bây giờ mới cứu giúp nông dân, ví dụ như đối với cà phê, mía đường, lúa gạo. Lúc nông sản xuống giá, nhà nước luôn có biện pháp xử lý, cứu trợ. Nông dân gặp thiên tai luôn có biện pháp. Ngay cả khi nông dân không khó khăn thì các chính sách xóa đói giảm nghèo cũng hướng vào giúp đỡ khó khăn của nông dân.

Cần khẳng định ngân sách nhà nước hạn hẹp nên giải pháp còn hạn chế, khả năng đó sẽ tăng dần. Đây là quy luật chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, cách tốt nhất là ngăn đừng cho khó khăn xảy ra, kể cả với bất động sản. Vì thế, trong nông nghiệp, các chính sách sắp tới là ngăn chặn rủi ro từ xa, phòng tránh thiệt hại từ xa. Đấy là mục tiêu chính sách. Ví dụ như: có thể dự báo thị trường, xây dựng sàn giao dịch, xây dựng kho tàng, áp dụng bảo hiểm,...

img
TS Đặng Kim Sơn trả lời câu hỏi bạn đọc gửi về. Ảnh: Đàm Duy

Một câu hỏi gửi TS Nguyễn Duy Lượng: Hiện tại, nông dân chúng tôi là những người chịu rất nhiều thiệt thòi, từ việc phân bón giả, giống giả… nhưng không tổ chức nào đứng ra bảo vệ, và chúng tôi muốn kêu cũng không biết kêu ai. Tôi thấy tiếng nói của Hội Nông dân ở cơ sở giờ rất yếu. Với tư cách là lãnh đạo T.Ư Hội, tôi muốn hỏi ông Nguyễn Duy Lượng, tới đây Hội sẽ làm gì để thể hiện được đầy đủ vai trò của mình trong việc bảo vệ người nông dân?

TS Nguyễn Duy Lượng trả lời: Thực trạng ông phản ánh là đúng, không phải chỉ tiếng nói Hội Nông dân cơ sở yếu mà đang yếu ở các cấp Hội. Trung ương Hội đã và đang làm những gì có thể làm được để bảo vệ người nông dân. Chắc các hội viên nông dân đã biết trên báo đài là Hội Nông dân đã bảo vệ thành công nhiều vụ việc như: vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của công ty Vedan phải bồi thường hàng trăm tỷ cho nông dân tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM. Đồng thời, phát hiện những đơn vị cơ sở buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống giả...

Đối với các cấp Hội, chúng ta phải làm mạnh hơn, chủ động phối hợp với các bộ ngành để rà soát những văn bản chính sách pháp luật về quản lý nhà nước ở những lĩnh vực này để kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tăng cường thực thi pháp luật, chú trọng thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến làm giả... Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành đối với các nông sản hàng hóa. Tránh tình trạng một mặt hàng có đến ba, bốn Bộ quản lý chồng chéo.

img
TS Nguyễn Duy Lượng trả lời câu hỏi bạn đọc gửi về. Ảnh: Đàm Duy

Một câu hỏi gửi Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Tôi đang chuẩn bị nuôi thử 100 con vịt supper. Vậy tôi xin hỏi thời gian nuôi từ lúc mua vịt con đến khi xuất chuồng là bao nhiêu ngày? Khi xuất chuồng thì bình quân vịt đạt bao nhiêu kg và tổng lượng thức ăn tiêu tốn cho mỗi con vịt là bao nhiêu? Xin cảm ơn chương trình!

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trả lời: Chọn vịt supper là loại siêu thịt là chính xác. Nuôi 2 tháng con đực được chùng 2-2,5kg. Về thị trường, người thành phố sẽ không thích vịt quá béo, ở nông thôn thì thích hợp hơn với nhiều người. Ở thành phố, bà con có tâm lý thông thường là thích ăn ngan hơn ăn vịt, vì ít.... ngấy hơn.

Tiêu tốn thức ăn thì có thể từ 1,8-2kg, tùy chất lượng thức ăn, nên chắc chắn cũng không đến nỗi quá tốn kém. Nhưng cần lưu ý thị trường, nuôi 5,7 con để cải thiện cuộc sống thì rất nên. Nhưng nếu nuôi hàng trăm con thì chúng ta phải nghiên cứu xem có mối hợp tác tiêu thụ nào cho hiệu quả, không đến khi lại... ăn vịt trừ cơm thì chúng ta cũng khốn khổ (cười).

Về tài liệu thì bạn có thể tham khảo cuốn sách "Nghê nuôi vịt" để có thêm những thông tin đáp ứng cho công việc của mình.

img
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng trả lời câu hỏi bạn đọc gửi về. Ảnh: Đàm Duy

>>Mời bạn đọc bấm vào đây để xem toàn cảnh buổi bàn tròn - giao lưu trực tuyến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem