Huyện Thanh Hà (Hải Dương) có 168 ha khai thác rươi, tập trung ở các xã: Vĩnh Lập, Thanh Xuân. So với Tứ Kỳ, diện tích khai thác rươi của Thanh Hà không lớn, sản lượng không nhiều bằng nhưng chất lượng rươi Thanh Hà luôn được đánh giá cao.
Người khai thác rươi ở Thanh Hà cho rằng nếu coi con rươi là "lộc trời" mà không biết giữ thì lộc rồi cũng hết. Vì thế sau nhiều năm lăn lộn cùng đồng bãi, họ đã có nhiều bài học quý báu để giữ "nguồn lộc" này khai thác lâu dài và có được những thành quả như hôm nay.
Trước đây, gia đình ông Phạm Văn Bảy (ở thôn Xuân Áng, xã Thanh Xuân) thường cải tạo đất bằng phân chuồng ủ mục để đất tơi xốp, tạo nhiều lỗ rươi nhưng nhiều năm gần đây cách này không còn hiệu quả.
Ông Bảy cùng nhiều người dân xã Thanh Xuân đã mua ngô, đậu tương về xay, rắc xuống bãi mỗi năm 2 lần sau khi cày, bừa.
Ông Bảy cho biết cách làm này giúp con rươi hoàn toàn sống trong môi trường sạch sẽ và là thực phẩm sạch. Rươi không sống được trong môi trường hóa học, độc hại, chỉ cần đất nhiễm độc, có thuốc trừ cỏ, trừ sâu là rươi sẽ bị triệt tiêu.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Bách (thôn Thuần Mỹ, xã Vĩnh Lập) mỗi năm cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua ngô, đỗ tương cải tạo đất cho rươi. Với 20 mẫu rươi, nhiều nhất huyện Thanh Hà, anh Bách tự đầu tư máy móc để xay ngô, đậu tương.
Bình quân cứ mỗi sào anh bón thêm 70 kg ngô, đậu tương xay. Ngoài ra, anh còn dùng cách “lên bổng, xuống giọt”, nghĩa là khi nước rút hết, anh thuê người làm đất, lên luống cao, gạt phẳng cho kiệt nước để có lỗ rươi.
Theo kinh nghiệm của anh Bách, nhiều lỗ cũng có thể xuất hiện cáy, còng còng ăn rươi và làm giảm sản lượng. Vì thế, người dân còn phải bỏ rất nhiều công sức bắt cáy, còng còng. Thông thường họ sẽ dùng chai để bẫy cáy nhưng đa số vẫn phải đi bắt thủ công.
Mỗi năm, anh Bách cải tạo đất 2 lần kết hợp với nước sông Thái Bình, sông Văn Úc ra vào thường xuyên tạo môi trường sống trong lành, sạch sẽ cho con rươi phát triển. Nhờ đó, mỗi năm anh thu hơn chục tấn rươi, lãi hàng tỷ đồng.
Trước đây, rươi thường cho thu hoạch vào cuối năm nhưng với những cách làm sáng tạo của người nông dân, rươi có thể cho thu hoạch vào nhiều tháng trong năm.
Từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch thu hoạch rươi chiêm, loại này sản lượng thường không đáng kể. Từ tháng 9 đến tháng 12, thu hoạch rươi mùa. Rươi được coi là đặc sản nên giá cao, có đến đâu thương lái thu mua đến đó.
Khai thác rươi mang lại giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng ổi, vải, bưởi. Do là đặc sản hiếm có, giá thành cao nên nhiều người dân trong nước chưa được thưởng thức con rươi. Nhiều thương lái chỉ thu mua rươi bán sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, diện tích đất bãi khai thác rươi ở ngoài đê xã Vĩnh Lập đã hết, trong khi đây là xã có tiềm năng lớn về khai thác rươi trong đồng. Nhiều người dân muốn mở rộng diện tích, chặt bỏ vườn cây ăn quả kém giá trị để chuyển sang khai thác rươi nhưng chưa có quy hoạch.
Ở xã Thanh Xuân, diện tích đất ngoài đê để khai thác rươi còn nhiều nhưng do khó khăn về vốn đầu tư, cải tạo nên diện tích khai thác ít.
Theo ông Hoàng Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, với tiềm năng lớn về khai thác rươi, người dân và chính quyền xã mong muốn các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ kinh phí làm đường ra bến bãi, trang bị đường điện để người dân thuận lợi bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Trước mắt, UBND xã vận động nhân dân, các hộ có đất bãi tự cải tạo đường đi, khắc phục khó khăn trồng hoa và cây xanh ven đường, tạo môi trường sinh thái hấp dẫn để khách đến tham quan vùng khai thác rươi và thu mua có thể trải nghiệm không gian yên bình nơi đây.
Hiện nay, nhiều xã như Thanh Hồng, Thanh Sơn cũng đều có tiềm năng khai thác rươi nhưng chưa có trong quy hoạch. Để vùng rươi Thanh Hà phát triển hơn nữa, việc cần thiết là có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ người dân các xã mở rộng diện tích khai thác rươi cả ở ngoài bãi và trong đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.