Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có gần 30 triệu lao động tự do, lao động nông nghiệp, lao động làng nghề không có quan hệ lao động (có các ký kết về hợp đồng lao động). Bà Đỗ Thị Xuân Phương – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Mới chỉ có khoảng 20% lao động trong số này tham gia BHXH”.
Luật BHXH quy định sau 3 tháng làm việc, lao động sẽ được đóng BHXH, BHYT. Thế nhưng điều này chỉ diễn ra ở các cơ quan hành chính, hoặc doanh nghiệp nhà nước, các công ty, xí nghiệp, liên doanh, công ty tư nhân.
Còn lại, đa phần các hộ kinh doanh cá thể, nông dân, thợ thủ công, làng nghề truyền thống thì hầu như không mua hoặc không được chủ sử dụng lao động mua BHYT, BHXH. “Vì thế, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc thì rất cao, nhưng mua BHXH tự nguyện thì lại rất hạn chế”- bà Phương nói
Theo nhận định của BHXH Việt Nam, nhận thức kém, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định chính là nguyên nhân khiến lao động tự do, lao động nông nghiệp không tiếp cận được với BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách hỗ trợ chưa thỏa đáng cũng khiến nhiều người không muốn tham gia đóng BHXH tự nguyện.
Bà Phương viện dẫn, hiện nay, tham gia BHXH bắt buộc, người lao động được hưởng tới 6 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp, tử tuất, hưu trí nhưng nếu tham gia BHXH tự nguyện, người lao động chỉ được hưởng 2 chế độ là chế độ tử tuất và chế độ hưu trí.
“Để khắc phục rào cản này, Chính phủ đã đồng ý cho liên thông trong việc tham gia hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, ví như khi lao động đang làm cho cơ quan nhà nước ra ngoài làm tư hoặc là lao động tự do thì vẫn được đóng tiếp BHXH. Hiện Bộ tiếp tục trình Chính phủ phương án mở rộng độ tuổi, điều kiện đóng BHXH và điều kiện thụ hưởng để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần lao động tham gia đóng và hưởng BHXH”- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.