Nông dân lãi cao nhờ các giống mía mới

Thứ hai, ngày 19/08/2013 06:30 AM (GMT+7)
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân trồng mía, Công ty CP Đường Khánh Hòa đã liên kết với Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát khảo nghiệm thành công và chuyển giao cho bà con nhiều giống mía mới cho năng suất cao...
Bình luận 0
Lãi 50 triệu đồng/ha

Mía là một loại cây trồng chủ lực của tỉnh Khánh Hòa, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Tuy nhiên, vài năm gần đây một số giống mía cũ cho năng suất rất thấp, lượng đường giảm, khiến giá cả giảm.

Để tiếp sức cho nông dân, Công ty CP Đường Khánh Hòa sau khi khảo nghiệm trên diện tích đất của công ty đã chọn được các giống mía mới chất lượng cao phù hợp với điều kiện canh tác tại các địa phương của tỉnh này và chuyển giao cho các hộ nông dân trong tỉnh cùng 2 tỉnh lân cận là Đăk Lăk, Ninh Thuận trồng.

Các giống mía mới gồm K88–65, K88–92, K95, Suphanburi 7, U thong 3, U thong 4, đã nhanh chóng khẳng định được hiệu quả về trữ lượng đường và năng suất.
Ruộng nhà ông Sử Hồng Xuân đang trồng  giống mía K88–65.
Ruộng nhà ông Sử Hồng Xuân đang trồng giống mía K88–65.

Ông Sử Hồng Xuân (thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa)- một người đã trồng giống mía mới cho biết: “Tôi đã gắn bó với cây mía gần 20 năm nay, và giống mía K88–65 là giống mà tôi chuộng nhất. Nó mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.

Ông Xuân đã trồng giống mía mới được 4 năm, hiện có 1,3ha. Vụ mía giống mới đầu tiên, gia đình ông đạt lãi trên 45 triệu đồng/ha. Vụ thứ 2 và 3, trừ các khoản chi phí, ông lãi trên 50 triệu đồng/ha. Dự kiến, thời gian tới, ông Xuân sẽ mở rộng diện tích thêm khoảng 5 sào nữa với giống mía K88–65.



Kỹ thuật trồng mía của hộ ông Sử Hồng Xuân: Trồng 3.000 đọt/sào, hàng cách hàng 1m, cây cách cây 40cm. Từ khi trồng đến khi cho thu hoạch là 12 tháng, phải bón 3 lần phân. Trước khi xuống giống mía phải cày tươi đất, xử lý vôi cho đất để tránh các vi khuẩn gây ảnh hưởng cho cây mía.

Ngoài giống K88–65, giống mía Suphanburi 7 đã được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa biết đến như là một người bạn hữu ích của nhà nông. Hộ ông Nguyễn Hồng Hải (cùng trú tại địa phương với ông Xuân) đã trồng giống mía Suphanburi 7 với diện tích 2,5ha được 3 năm nay.

Kết quả là năm nào cũng thắng. Vụ đầu tiên, ông thu 10 tấn/sào (1.000m2), trừ các khoản chi phí còn lãi 5 triệu đồng/sào; các vụ còn lại cho lãi đều hơn 5 triệu đồng/sào. Theo ông, giống mía này đẻ nhánh khỏe, chịu hạn tốt, sinh trưởng nhanh, trữ đường cao, đặc biệt là cây không bị chết khi sang các vụ thứ 2 và thứ 3.

Bén rễ đất Khánh Hòa

Ông Lê Đức Duy – Phó Giám đốc Nhà máy Đường Khánh Hòa cho hay, riêng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 5 huyện, thị trồng các giống mía mới, cao nhất Ninh Hòa (6.800ha), Diên Khánh (2.900ha), Cam Lâm (2.800ha)… Các giống mía mới đều cho năng suất cao, trữ lượng đường bình quân đạt 11,2 CCS, một số giống mía từ 13 tháng tuổi có chữ đường cao 12 – 12,5 CCS, phù hợp với đều kiện thổ những địa phương...

Riêng giống mía K88 – 65, tại huyện Cam Lâm đã trồng được 1.800ha. Ông Đỗ Thành Liêm – Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa cho rằng, để trồng mía có năng suất cao, thu nhập tốt, bà con nông dân nên chọn từng loại giống cho phù hợp, bón phân đúng liều lượng, đúng kỹ thuật, thu hoạch phải đúng thời điểm...
Văn Công (Văn Công)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem