Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, TP.Hà Nội có kế hoạch cấm một số tuyến đường từ đường vành đai 3 trở vào để điều tiết giao thông, nên nhiều địa phương đã không điều xe tải lớn về Hà Nội chở phân bón. Sau đó, dù Hà Nội không ra văn bản chính thức cấm đường vành đai 3, nhưng nhiều địa phương đã hủy hợp đồng thuê xe.
Cán bộ hội lo tín chấp mà không có phân bón
Nông dân nhiều tỉnh thành phía Bắc đang thấp thỏm lo thiếu phân bón cho cây trồng, nếu Hà Nội cấm một số tuyến đường quốc lộ vào nội thành. Ảnh: Công nhân vệ sinh chuồng trại lấy phân cho cây trồng tại một trang trại ở huyện Vụ Bản, Nam Định.
Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có hơn 12.000ha đất lúa, gần 500ha khoai tây và hàng nghìn ha rau quả. ND huyện này cũng đang lo tái diễn cảnh thiếu phân bón. Ông Phạm Đức Tuyến – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đông Hưng (Thái Bình) nhớ lại: “Thời điểm cận tết, ND đang vào vụ, nếu phân bón không chuyển kịp thời đến các hộ dân thì mùa vụ của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là mất mùa. Tôi nhớ như in thời điểm tết năm 2013, Hội ND huyện Đông Hưng và bà con ND như ngồi trên đống lửa. Vì Hà Nội cấm đường nên xe vận chuyển phân bón cỡ lớn không thể vào nội thành đúng thời gian để lấy phân từ nhà máy. Xe tải loại nhỏ 1-2 tấn thì không ăn thua mà giá cả lại đội lên rất nhiều”.
Ông Tuyến cho biết thêm, hiện nay, ND phải chi 200.000 đồng mua phân bón cho 1 sào lúa. Dù chưa biết Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội có cấm các tuyến đường vành đai 3 hay không, nhưng ND và cán bộ hội (những người đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm cho ND) rất lo lắng. Nếu giá cả tăng ND sẽ phải gánh thêm chi phí, ND xưa nay lấy công làm lãi, công thì nhiều lên mà lãi ngày càng teo lại bởi các chi phí đội giá”.
Không mong tái diễn
Quan điểm
Bà Trần Kim Thoa – Chủ đại lý phân bón Hùng Thoa (huyện Bình Lục, Hà Nam)
Chúng tôi không mong điều đó lại xảy ra lần nữa, đại lý nào cũng muốn bán được nhiều hàng, năm nay hy vọng Hà Nội sẽ không cấm đường vành đai 3, để chúng tôi có hàng bán cho bà con. Ở Bình Lục thời điểm khan hiếm hàng, không ít bà con mua phải phân bón giả.
Cùng nỗi niềm trên, chị Nguyễn Hoàng Mai, ND huyện Bình Lục (Hà Nam) lo lắng: “Năm nay mà tiếp tục thiếu phân bón thì chúng tôi không có tâm trạng nào mà ăn tết. Vào dịp này 2 năm trước, chúng tôi đến khổ sở vì thiếu phân bón. Chủ đại lý phân bón Hùng Thoa (đại lý cung cấp phân bón cho ND huyện Bình Lục) phân trần với bà con rằng, Hà Nội cấm đường, nên các đại lý phân bón không thể vận chuyển, cung cấp đủ phân bón cho bà con. ND phải đi tìm kiếm nguồn phân bón khác, vừa phải chi tiền ngay, vừa lo lắng không biết phân bón thay thế có chất lượng không”. Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Tại – Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho biết: “Dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Hà Nội cấm đường hơn 1 tháng cả trước, sau tết. Dù cuối cùng không ra văn bản cấm đường vành đai 3, nhưng việc tuyên bố kế hoạch cấm đường trước đó có cả tuyến đường này đã làm cho Hội ND các địa phương miền Bắc và một số công ty vật tư nông nghiệp bị ảnh hưởng. Sản lượng bán ra của công ty giảm tới 11% so với tổng số lượng phân bón bán ra cả năm. Công ty thiệt hại, tức ND và tổ chức hội cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi đề nghị Hà Nội năm nay tuyên bố không cấm đường vành đai 3, hoặc nói rõ là cấm từ phía trong đường vành đai 3 trở vào. Như vậy các địa phương biết để chủ động phương tiện chở phân bón”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.