Quản lý thiếu linh hoạt
Thưa ông đến thời điểm này, sản xuất nhiều mặt hàng phân bón trong nước đã cơ bản đáp ứng nhu cầu song tại sao giá phân bón của chúng ta vẫn cao và không thể cạnh tranh được với phân bón của Trung Quốc?
- Hàng hóa Trung Quốc (TQ) giá rẻ nói chung và phân bón giá rẻ nói riêng đang là một vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì tại Việt Nam và nó cũng đã diễn ra từ rất lâu. Tại sao TQ có thể sản xuất được phân bón với giá rẻ như thế? Có thể lý giải là do TQ là nước sản xuất phân bón cực lớn do vậy tỉ lệ khấu hao trên giá thành sản phẩm giảm đi. Họ cũng sản xuất phân bón ở nhiều cấp độ khác nhau, do vậy cấp này có thể bù trừ cho cấp kia. TQ cũng xuất khẩu phân bón ở nhiều thị trường khác nhau, do thế họ có thể lấy thị trường này bù cho thị trường kia. Đặc biệt, TQ có chính sách hỗ trợ chiến lược với mặt hàng phân bón của Nhà nước cho những vùng kém phát triển. Trong chính sách bán hàng của mình, TQ có thể tăng thuế lên cao chót vót song cũng có thể giảm thuế tối đa, rất linh hoạt để nắm bắt và làm chủ giá, cũng như thị trường…
Người dân đưa phân bón đến đối chiếu sau vụ phát hiện phân bón giả đầu năm 2014 ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Có phải vì như vậy mà phân bón sản xuất trong nước của ta dù đã lớn mạnh vẫn không tránh khỏi việc bị phụ thuộc TQ về giá và cả cung-cầu, thưa ông?
- Đúng là như vậy. Cách tổ chức sản xuất và quản lý với mặt hàng phân bón của ta hiện nay đang “ngược” với TQ và làm cho chi phí ngày một tăng lên. Có thể so sánh điều kiện thứ nhất là về vĩ mô thì bản thân các doanh nghiệp sản xuất phân bón của chúng ta đều đang vay vốn rất lớn (tức là sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay), trên 10% vốn vay nên không cho phép giảm được giá phân sản xuất ra. Về mặt quản lý thì nhiều thủ tục, chi phí hành chính trong nước với mặt hàng phân bón cũng đã làm “đội” giá thành phân bón sản xuất của ta lên. Hệ thống phân phối kém cùng với vận chuyển trong nước và các chi phí không chính thức khác cũng làm cho giá phân bón trải qua nhiều tầng nấc về giá mới đến được tay nông dân… Chưa kể, chúng ta còn đang nhập khẩu khá lớn các nguyên liệu cho sản xuất phân bón nên khó có thể có sản phẩm cạnh tranh về giá…
Mới đây, Bộ Tài chính đã phải tăng thuế nhập khẩu phân bón và từ 1.12, việc nhập khẩu phân bón cũng được áp dụng hình thức cấp phép tự động. Các cơ quan chức năng cho rằng, điều này là để giúp cho sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh công bằng được với phân bón của TQ, ông nghĩ sao?
- Cá nhân tôi cho rằng, các chính sách quản lý với mặt hàng phân bón của chúng ta hiện nay vẫn đang khá bị động. Chúng ta đang lấy ưu tiên phân bón sản xuất trong nước để tránh phụ thuộc thị trường này hay thị trường khác về mặt hàng phân bón. Do vậy, chính sách đưa ra đều “cứng” để ngăn phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, mặt trái của nó là lại làm cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam chiếm vị trí độc quyền về phân bón. Các doanh nghiệp thay vì phải tính toán làm sao cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu thì họ lại chỉ đấu tranh để ngăn, không có hàng nhập khẩu tràn vào. Và các cơ quan chức năng cũng đang làm một việc dễ dàng nhất là đưa ra các biện pháp hành chính để hạn chế hàng nhập khẩu, thay vì phải có các chính sách cạnh tranh làm sao để phân bón trong nước có thể đánh bật được hàng nhập khẩu mà không phải can thiệp hành chính.
Nông dân chịu thiệt thòi
Vậy các giải pháp quản lý này có giúp cho mặt hàng phân bón đến tay nông dân với giá cạnh tranh nhất không thưa ông?
- Đương nhiên là khó có giá cạnh tranh, bởi ngay từ đầu giải pháp này đã làm cho giá phân bón trong nước không cần phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Tôi nghĩ rằng, áp dụng các chính sách quản lý với mặt hàng phân bón như hiện giờ chỉ có lợi trước mắt mà hại lâu dài. Phân bón nhập khẩu tạo một sức ép cần thiết cho sản xuất trong nước tìm mọi cách giảm giá thành, mất đi nhân tố này thì nông dân không thể được lợi về giá phân bón thấp.
Vậy theo ông, các chính sách quản lý phân bón hiện nay phải thay đổi như thế nào thì mới có thể giúp cho sản xuất phân bón trong nước phát triển và đánh bật hàng nhập khẩu mà không cần phải áp dụng các biện pháp hành chính. Bao giờ thì nông dân của ta mới có thể được sử dụng phân bón giá thấp, thưa ông?
- Hiện nay chính nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan mới là vấn nạn của sản xuất phân bón trong nước chứ không phải là phân bón nhập khẩu có chất lượng. Quản lý của chúng ta đang không tốt nên để cho phân giả, chất lượng kém hoành hành còn nông dân thì đang chịu thiệt đơn, thiệt kép... Nếu không ngăn chặn tệ nạn này trong sản xuất phân bón thì dù không có hàng nhập khẩu thì doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cũng “chết”. Do vậy, thay vì áp dụng các biện pháp hành chính cứng nhắc, tôi cho rằng Việt Nam cần có giải pháp về hàng rào thuế quan để tránh cho phân bón giả tràn vào trong nước. Bên cạnh đó là đấu tranh tệ nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ở cả thị trường nội địa. Về nhập khẩu phân bón chúng ta vẫn nên mở cửa để cho phân bón nhập khẩu vào. Bởi khi đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và tới đây Việt Nam còn tham gia và hội nhập nhiều hiệp định thương mại lớn nữa thì việc hàng nhập khẩu tràn vào là điều khó tránh khỏi và chúng ta cũng không có lý do gì để cấm hàng nhập khẩu.
Thay vào đó chúng ta cần làm tốt sản xuất phân bón trong nước, hạ giá thành sản phẩm cho nông dân thì lúc đó nông dân ắt mua sản phẩm trong nước còn kiểu cấm hoặc đưa ra các quy định hạn chế nhập khẩu như hiện nay sẽ chỉ càng làm cho thị trường phân bón bị méo mó, độc quyền và nông dân không được hưởng lợi.
Các doanh nghiệp trong nước cũng rất muốn sản phẩm phân bón của mình cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, vậy theo ông, họ phải làm gì để có thể bán phân bón giá thấp được cho nông dân?
-Hệ thống phân phối phân bón trong nước phải thay đổi. Phân phối phải là kênh hữu hiệu cho nông dân, tránh trôi nổi như hiện nay, vừa không quản lý được phân bón giả vừa tạo ra tầng nấc về giá. Các hiệp hội của nông dân, hiệp hội ngành hàng phải vào cuộc để kiểm tra, kiểm soát luồng đi của phân bón khi nó đến tay nông dân. Chúng ta có thể giới thiệu các địa chỉ phân bón uy tín, giá cả phải chăng cho nông dân. Cuối cùng, lực lượng quản lý thị trường cũng phải ra tay quyết liệt, không thể để cho thị trường phân bón trong nước bát nháo, thật giả lẫn lộn như hiện nay, gây lũng đoạn cả về giá lẫn lượng hàng…
Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện) (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.