Nông dân mất ruộng và bóng ma đói nghèo

Thứ ba, ngày 14/02/2012 18:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đang nỗ lực cày cấy 8 sào ruộng để thực hiện ước mơ nuôi 4 đứa con ăn học thành tài thì bỗng dưng mất đất, người phụ nữ nông dân tên Duyên ấy đã phát điên, còn 2 đứa con đứt ngang con đường học tập.
Bình luận 0

Mẹ bệnh tật, con thất học

Theo như lời kể của chị Trịnh Thị Duyên thì gia đình chị có 8 sào ruộng từ đời ông cha để lại. Vợ chồng anh chị chỉ trông vào số ruộng ấy để nuôi 4 đứa con ăn học thành người.

Cô con gái cả Trần Thị Trinh đã tốt nghiệp Cao đẳng May và đang làm việc ở huyện Phú Bình trong tỉnh. Dù chưa giúp đỡ được gì cho bố mẹ, nhưng Trinh cũng tự chăm lo được cho cuộc sống của mình. Cậu con trai thứ 2 của anh chị là Trần Xuân Trường thì vừa tốt nghiệp Cao đẳng Cơ khí luyện kim nhưng vẫn chưa xin được việc làm.

img
Những người nông dân bị mất đất với nỗi lo bị nghèo hóa.

Rơm rớm nước mắt, chị Duyên tâm sự: "Khi cháu Trường đi học, vì vợ chồng tôi vẫn còn ruộng cày nên mạnh dạn vay ngân hàng cho cháu 24 triệu đồng để đi học. Nào ngờ cháu ra trường chưa xin được việc thì ruộng mất, gia đình tôi chẳng biết trông vào đâu để trả món nợ này.

Cũng vì mất ruộng mà 2 đứa con út của tôi chỉ được học hết lớp 12 rồi nghỉ ở nhà. Vừa rồi, các cháu bỏ ra Hà Nội đi làm thuê cho người ta để dành dụm ít tiền đi học nghề nhưng đến Tết lại bị chủ quỵt công nên phải về nhà. Bản thân tôi vì suy nghĩ nhiều mà mắc bệnh thần kinh rồi bướu cổ.

Các bác sĩ bảo bệnh của tôi phải uống thuốc cả đời. Cứ 2 tháng, tôi phải đi Hà Nội lấy thuốc một lần, mỗi lần mất hơn 1 triệu. Cuộc sống gia đình tôi giờ chỉ trông vào tiền công cày thuê cuốc mướn của chồng tôi. Mấy ngày nay hết thuốc nhưng tôi vẫn chưa có tiền đi lấy".

Dù khó khăn như vậy, nhưng chị Duyên vẫn nhất quyết không đi lấy tiền đền bù bởi lẽ số tiền đó mang về sau khi trả nợ trả nần thì cũng chẳng còn được bao nhiêu, không còn ruộng thì vợ chồng chị và các con về sau chẳng biết sẽ phải sống thế nào. Ngôi nhà đổ mái bằng của chị Duyên hiện tại trên trần xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, nước mưa thấm ướt mốc meo trần nhà.

Chị Duyên cho biết: "Nhà tôi ở rất gần khai trường của Công ty Than Núi Hồng nên mỗi lần họ đánh mìn thì cả nhà rung bần bật như thời chiến tranh. Lúc đầu, nhà tôi nứt ít, tôi thì thấp cổ bé họng nên đành nín lặng cố gắng cày cấy để dành tiền sửa chữa.

Năm 2007, tôi bị lấy hết ruộng, họ lấy được diện tích mới nên đánh mìn nhiều hơn. Nhà nứt quá, tôi đánh liều ra bờ ruộng ngồi nên họ không dám nổ mìn nữa. Đại diện Công ty cũng xuống hỗ trợ gia đình tôi 20 triệu đồng để xây lại nhà nhưng tôi không dám nhận. Vì nhận vào rồi thì lấy đâu ra số còn lại mà xây mới. Đành phải sống tạm vậy!".

Bỗng dưng nghèo hóa

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Duyên, chị Phương Thị Công cũng phải nuôi 4 đứa con ăn học. Nguồn sống chính của gia đình chị Công cũng là hơn 6 sào ruộng vợ chồng chị vẫn chăm chỉ cày cấy từ xưa. Giờ bị thu hồi mất 6 sào, chỉ còn lại 12 thước tẻo teo, gia đình chị cũng rơi vào thảm cảnh chạy ăn từng bữa. Ngoài một cậu con trai đang tham gia nghĩa vụ quân sự, vợ chồng chị cùng 3 đứa con còn lại đều phải đi làm thuê, đóng gạch, lấy củi để mưu sinh.

Chị sụt sùi: "Tiền công ngày nào về là tiêu hết ngày ấy. Đêm 30 Tết, tôi còn phải đi mót than về nắm để bán đi lấy chút tiền lo tết cho con. Các con tôi đều đã tốt nghiệp lớp 12, giá như công ty làm đúng cam kết nhận các cháu vào làm công nhân thì gia đình tôi đỡ khổ biết bao nhiêu".

Rơm rớm nước mắt, ông Quy - người nông dân gần cả cuộc đời gắn bó với ruộng đồng thổ lộ: "Ruộng thì mất rồi, tôi chỉ mong chính quyền và công ty làm công khai, minh bạch mọi việc để vợ chồng tôi có được một nguồn thu nhập ổn định cho yên tâm tuổi già".

Đến nhà ông Nguyễn Chính Quy, chúng tôi đắng lòng khi chứng kiến cảnh hai ông bà già không con cái sống lủi thủi trong ngôi nhà rộng thênh thang. Bà Chu Thị Dinh - vợ ông Quy - ốm đau triền miên, căn bệnh ung thư gan hành hạ khiến bà gầy gò, leo lét như ngọn đèn trước gió. Thương vợ, ông Quy đã bán đi đến 4 con trâu để có tiền chạy chữa căn bệnh nan y của bà.

Bóng tối chỉ thực sự ập xuống gia đình ông khi gần 8 sào ruộng của ông bà bị thu hồi để giao cho Công ty Than Núi Hồng khai thác. Mất ruộng, ông Quy mất luồn nguồn thu nhập duy nhất để nuôi sống gia đình và thuốc thang cho vợ. Dù đã gần 60 tuổi, nhưng giờ đây, ngày nào ông cũng phải đi đóng gạch thuê cho người ta để lấy công. Ngoài giờ làm thuê, ông còn tranh thủ lên đồi lấy củi về chợ bán.

Năm 2012 này là năm đầu tiên gia đình ông Quy được đưa vào danh sách hộ nghèo theo chuẩn mới của Chính phủ. Toàn bộ số tiền làm công và số tiền trợ cấp có được, ông đều đổ vào thuốc thang cho vợ. Còn dư đồng nào thì mới mua gạo ăn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem