“4 cùng” trong một mục tiêu
Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Mường La cho biết: Chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực để cung ứng con giống; lực lượng thú y, khuyến nông phối hợp kiểm tra chất lượng con giống theo yêu cầu dự án; nhà nông trực tiếp tham gia giám sát và đấu giá con giống; chính quyền cấp vốn và quản lý, giám sát các bước thực hiện. Bằng cách làm này, hiệu quả đồng vốn được nâng lên rõ rệt và những thắc mắc “hậu dự án” cũng chấm dứt.
Người dân Mường La đến “chợ bò” để trực tiếp tham gia lựa chọn con giống phù hợp với nhu cầu của mình. Ảnh: K.T
Tại một số xã vùng sâu, vùng xa của Sơn La, các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo như hỗ trợ bò, dê thường không đem lại hiệu quả do người dân có thói quen trông chờ, ỷ lại dẫn đến việc gia súc bị chết, bị còi cọc. Việc tổ chức cấp theo hình thức chợ bò, để cho người dân tự chọn và tự bỏ tiền theo giá chênh lệch đã xóa bỏ được tư tưởng cho không và nâng cao trách nhiệm của người dân đối với vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tâm -
Trưởng phòng Nông nghiệp
huyện Mường La
|
Ông Lù Văn Phảng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến huyện Mường La, cho biết: Trước đây, mỗi lần có dự án cấp con giống cho dân là cán bộ xã, bản rất lo bởi có rất nhiều vấn đề phải quan tâm sâu sát từ lựa chọn, bình xét đối tượng đến theo dõi chất lượng con giống, nắm bắt ý kiến phản hồi của người dân sau dự án, phối hợp cùng cán bộ thú y, khuyến nông và doanh nghiệp cung ứng để chăm sóc bò, ngăn chặn, phòng trừ bệnh lây lan trên gia súc. Nhưng với cách làm mới này, năm 2016, chúng tôi đã giảm thiểu rất nhiều khả năng rủi ro cũng như khiếu nại, khiếu kiện hậu dự án. Người dân thấy vui hơn, yên tâm sản xuất hơn sau khi nhận con giống. Có không ít con giống chỉ sau vài tháng nhận về đã sinh được bê, tạo lợi nhuận cho người dân nên bà con phấn khởi lắm.
Mang bò ra “chợ” cho dân chọn
Năm 2016, huyện Mường La thực hiện hỗ trợ bò giống cho hơn 1.000 hộ dân nghèo (tổng vốn hơn 13 tỷ đồng) bằng phương pháp “chợ bò”, tức là doanh nghiệp mang bò giống đến và người dân trực tiếp lựa chọn, bình giá. Con giống đảm bảo có trọng lượng từ 100kg trở lên, béo khỏe, có khả năng sinh sản tốt. Do Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, nếu hộ nào có điều kiện sẽ lựa chọn con giống to hơn, phần chênh lệch giá hộ gia đình phải thanh toán trực tiếp cho đơn vị cung ứng. Nhà thầu là doanh nghiệp Duy Khánh ở TP. Sơn La. Ông Khánh - chủ doanh nghiệp tâm sự: Để có được hàng trăm con bò cái giống địa phương đạt chất lượng và có trọng lượng sàn sàn nhau trong một thời gian ngắn không phải là chuyện đơn giản. Tuy vậy, chúng tôi luôn cố gắng cao nhất để tìm được những con bò giống vừa đảm bảo uy tín công ty, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân. Điều quan trọng ở đây là “thuận mua – vừa bán”, người dân có quyền mặc cả với doanh nghiệp và vẫn được hưởng các chính sách bảo hành con giống sau khi cung ứng.
Chúng tôi đến nhà anh Cà Văn Chung tại bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong, thấy con bò béo tốt, lông vàng mượt, bụng chửa to... đang đứng trong gian chuồng được che chắn cẩn thận. Theo anh Chung, để nhận được con bò này, gia đình anh đã bỏ thêm 3,5 triệu đồng nữa để trả cho doanh nghiệp. Đến giờ, anh thấy việc thêm tiền ấy rất hiệu quả. Con bò lớn, khỏe, sau 2 tháng nuôi vẫn ăn uống và phát triển tốt, không bị bệnh tật gì và chỉ ít ngày nữa là bò sẽ sinh con. Cán bộ khuyến nông và cán bộ thú y vẫn bám sát bà con để theo dõi đàn bò và tư vấn kỹ thuật chăm sóc.
“Thực tình, lúc đầu thấy bảo dân góp thêm tiền để lấy con bò tốt, chúng tôi cũng phân vân. Nhưng bây giờ mới thấy hợp lý bởi mức giá hỗ trợ của Nhà nước 10 triệu đồng/con bò thì chỉ có thể mua được con bò nhỏ. Nuôi đến khi nó sinh sản được cũng rất lâu, mà khả năng chống đỡ bệnh tật, sương gió cũng yếu. Vì thế nên bây giờ chúng tôi lại thích cách làm này. Khi góp thêm tiền vào, ý thức chăm sóc con bò của người dân cũng cao hơn so với con bò Nhà nước cho không” – anh Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Năm 2015 huyện đã tổ chức cấp thí điểm khoảng 200 con bò theo phương án “đối ứng”. Bước đầu đánh giá cách làm trên đã mang lại hiệu quả khi bò sinh trưởng tốt, tỷ lệ bò chết hạn chế. Do vậy trong đợt 1 năm 2016, huyện đã tiến hành cấp bò cho 971 hộ dân nghèo theo phương án trên. Đến nay đã được 2 tháng, đàn bò phát triển tốt. Huyện dự kiến sẽ cấp tiếp bò đợt 2 cho khoảng 400 hộ vào cuối tháng 11 này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.