Nông dân Nam Định đi nhặt rác-thứ vứt đi biến thành phân bón hữu cơ, tiết kiệm khối tiền
Nông dân Nam Định sản xuất phân hữu cơ: Thứ vứt đi hóa ra giúp tiết kiệm "khối tiền" (bài 1)
Mai Chiến
Thứ bảy, ngày 12/10/2024 12:51 PM (GMT+7)
Tận dụng nguồn rác thải sinh hoạt như rau hỏng, củ quả thối, vỏ mướp…, nông dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã ủ với men vi sinh, chế biến thành phân hữu cơ, bón cho rau màu, cây trồng. Nhờ đó, đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất…
Thay vì vứt bỏ nguồn rác hữu cơ ra ngoài môi trường như trước đây, nhiều năm nay, bà con nông dân ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã biết tận dụng nguồn rác hữu cơ này để sản xuất phân bón hữu cơ tại nhà.
Ông Trần Thái Học, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Anh khoe với tôi rằng, nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, theo phương châm "mưa dầm, thấm lâu", nên người dân trong địa bàn xã dần dà thay đổi suy nghĩ, tích cực thực hiện, tham gia mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn".
Người dân đã có ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt, tận dụng nguồn rau hỏng, củ quả thối… để sản xuất phân hữu cơ, bón cho cây trồng. Qua đó, giảm được lượng rác thải từ gia đình ra khu xử lý rác thải tập trung, giảm được chi phí sản xuất, không phải mua phân bón vô cơ…
"Năm 2021, mô hình được triển khai, thực hiện rộng rãi trên toàn xã. Đến nay, người dân ở 24/24 xóm đều tham gia mô hình, chấp hành nghiêm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn", ông Học chia sẻ.
Ông Học cho biết thêm, đến nay trên địa bàn xã có 1.800 thùng và khoảng 600 hố sản xuất phân bón hữu cơ có nắp đậy. Bình quân mỗi gia đình có 1 thùng hoặc 1 hố có nắp đậy xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Anh đi tham quan 1 vòng quanh xã, chúng tôi nhận thấy, quang cảnh nông thôn nơi đây đẹp như tranh vẽ; hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, cho đến các dòng sông, con mương đều rất sạch sẽ, không có tình trạng người dân vứt rác bữa bãi.
Rác thải sinh hoạt được các hộ gia đình đổ vào 2 thùng nhựa đựng rác được kí hiệu khác nhau. Một thùng chứa đựng rác vô cơ, còn một thùng chứa đựng rác hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ.
Gia đình bà Trần Thị Nga (xóm 3, xã Hải Anh) có một mảnh vườn nho nhỏ ở trước sân nhà. Bà chủ yếu trồng rau muống, rau ngót, rau cải… để phục vụ riêng cho gia đình.
Những năm qua, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ Hội Nông dân xã, bà đã biết cách sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn rác thải hữu cơ. Nhờ đó, hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, tiết được chi phí sản xuất…
Bà bảo, cách thức sản xuất phân bón hữu cơ trong thùng nhựa rất đơn giản. Rau thừa, lá cây dễ phân hủy… được bà đổ hết vào trong thùng nhựa, sau đó tưới chế phẩm sinh học. Sau 30 ngày, nguồn rác hữu cơ phân hủy thành phân bón thì lấy ra bón cho rau màu, cây trồng trong vườn.
"Từ khi biết cách làm phân bón hữu cơ, gia đình tôi không phải mua phân vô cơ về bón cho rau màu nữa. Từ đó, tiết kiệm được chi phí sản xuất, đất trồng tơi xốp, không bị bạc màu", bà Nga đúc kết.
100% xã, thị trấn thực hiện mô hình
Với sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Nam Định triển khai xây dựng mô hình: "Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" tại xã Hải Lý (cũ), nay là thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho hay, tham gia mô hình, bà con nông dân nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại nhà.
Ngoài ra, bà con nông dân cũng đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, giảm được lượng rác thải ra môi trường, góp phần giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp…
"Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; giảm thiểu ô nhiễm, lượng rác thải trong cộng đồng ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường", bà Hoa chia sẻ về những lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn.
Với mục tiêu mô hình được "phủ sóng" toàn huyện, tháng 8/2020, Hội Nông dân huyện Hải Hậu đã phát động phong trào "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải mềm thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình", khuyến khích các hộ dùng thùng nhựa xử lý rác; tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình thu gom phân loại và xử lý rác thải mềm tại hộ gia đình.
Từ mô hình điểm ở xã Hải Lý (cũ), đến nay 100% các xã, thị trấn trong huyện Hải Hậu đều có mô hình và thực hiện rất hiệu quả, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư ở Hải Hậu.
Qua thống kê, toàn huyện Hải Hậu có 48.364 thùng và hố có nắp đậy xử lý bằng men vi sinh và trên 30.000 hố rác hữu cơ tại các hộ gia đình, góp phần xây dựng gia đình, xóm/TDP nông thôn mới kiểu mẫu "Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát trển bền vững", đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Theo bà Hoa, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Hải Hậu đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tham gia mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn".
"Các cấp Hội Nông dân thường xuyên hướng dẫn các hộ gia đình nên sử dụng 2 thùng rác để phân loại ngay tại nhà, gồm thùng rác vô cơ và rác hữu cơ, các thùng rác được ký hiệu rõ ràng.
Đối với rác hữu cơ, các hộ gia đình chỉ cần thu gom rác hữu cơ vào thùng có nắp đậy, dùng thêm gói chế phẩm vi sinh, ủ sau 30 ngày là phân hủy thành phân bón dùng trong nông nghiệp, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa duy trì độ phì cho đất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Đối với rác vô cơ, sau khi phân loại tại hộ gia đình, sẽ có tổ thu gom rác đến từng hộ gia đình, cơ sở thu gom lại và tập kết về điểm tập trung để xe làm dịch vụ vệ sinh môi trường vận chuyển ra khu xử lý rác tập trung, xử lý bằng lò đốt chuyên dụng", bà Hoa bộc bạch.
Hội Nông dân tỉnh Nam Định thông tin, đến nay, mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" đã được triển khai ở các huyện, thành trong tỉnh, với 153/170 cơ sở tham gia, 1.464/2.006 chi hội tham gia.
Số hộ tham gia mô hình là 188.219. Trong đó, có 104.841 hộ xử lý rác hữu cơ bằng thùng nhựa, 83.378 hộ xử lý rác hữu cơ bằng hố có nắp đậy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.