Học nghề cũ cho thu nhập cao
Từng là nông dân gắn bó với nghề trồng cây cảnh từ lâu, nhưng ông Lê Văn Thanh (60 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định) vẫn chỉ là trồng… cho vui. Lâu lâu ông mới bán được vài nghìn cây giống, chỉ đủ tiền lo ăn uống, cho con ăn học. Năm 2016, ông được xã giới thiệu học nghề trồng cây cảnh. Từ đó tới nay, ông áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, gò cây. Nhớ đó, cây giống ông làm ra đẹp hơn, năng suất, chất lượng tốt hơn, nên giá thành cũng tăng cao hơn.
Nghề trồng cây cảnh mang lại cho nông dân thu nhập cao. Ảnh: T.A
"Cái được lớn nhất trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng mới, từ đó áp dụng vào sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận cao gấp đôi gấp ba trước đó. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau học nghề đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.
Ông Hoàng Đức Trọng
|
“Hầu hết học viên học nghề trồng cây cảnh như tôi đều thấy việc học nghề bổ ích. Bản thân tôi cũng áp dụng được nhiều kiến thức mới vào trồng, chăm sóc cây cảnh. Đặc biệt, kỹ thuật gò cây, tạo thế cũng được chú trọng, cây đẹp hơn, phù hợp với xu thế của thị trường và được nhiều người mua hơn” - ông Thanh nói.
Ngoài trồng cây cảnh, mấy năm gần đây ông Thanh còn trồng thêm cả cây ăn quả như cam, bưởi. Những loại quả này được bán trong tỉnh và nhập cho cả các siêu thị ở Hà Nội.
Ông Hoàng Đức Trọng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho hay: “Cái được lớn nhất trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người dân được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng mới. Từ đó áp dụng vào sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận cao gấp đôi gấp ba trước đó. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau học nghề đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.
Làm tốt công tác kết nối, hỗ trợ
Theo ông Phạm Xuân Hiểu - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Nam Định, năm 2017, Trung tâm đã tổ chức được 16 lớp dạy nghề, đào tạo cho 526 lao động nông thôn. Các nghề đào tạo là may công nghiệp; trồng cây lương thực, thực phẩm; chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh; chăn nuôi. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các trung tâm dạy nghề trong tỉnh đào tạo nghề cho 2.000 lao động nông thôn.
“Học viên tham gia lớp học được tiếp thu những kiến thức từ lý thuyết đến thực hành theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Trong số những nghề dạy thì nghề trồng cắt tỉa, uốn cây cảnh và chăn nuôi, thú y thu hút đông học viên nhất” - ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, 80% học viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Không những thế, một số học viên còn mở trang trại tại địa phương, vươn lên trở thành các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.
Theo thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định, năm 2017 Sở đã triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn và kế hoạch dạy nghề cho người khuyết tật. Để triển khai, Sở đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Nông dân tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng tại các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Hải Hậu và Giao Thủy. Song song với công tác đào tạo nghề, thời gian qua các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định cũng làm tốt công tác kết nối, hỗ trợ, tư vấn việc làm nhằm giúp người học có việc làm và áp dụng kiến thức sau mỗi khóa học.
Ngoài ra, các đơn vị có liên quan như Sở LĐTBXH, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và mua vật tư trả chậm cho nông dân. Trong năm qua, tỉnh Hội tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật 31 lớp/3.500 lượt người; các huyện, thành Hội phối hợp tổ chức 1.760 lớp cho 185.000 lượt người về chăm sóc lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.