Chưa được nhận bằng đã căng vì hàng nhái
Có sáng chế hữu ích (thiết bị nhằm giảm thiểu tai nạn khi sử dụng cánh quạt nước ôxy), thừa nhiệt huyết và đặc biệt là may mắn khi có được sự trợ giúp đắc lực của người bạn là kỹ sư Nguyễn Duy Trinh (Sở Khoa học công nghệ - KHCN- tỉnh Trà Vinh), nhưng “kỹ sư hai lúa” Nguyễn Hoàng Nam (ấp Mé Láng, Ngũ Lạc, Duyên Hải, Trà Vinh) xem chừng vẫn “chưa đến duyên” với tấm bằng sáng chế.
Theo đó, giấc mơ thương mại hóa sản phẩm của anh cũng bị “treo” lại. “Hơn một năm rồi tôi chưa nhận được bảo hộ độc quyền vì nghe đâu theo quy định phải chờ 36 tháng. Tôi sợ, đến lúc được cấp bằng rồi, hàng nhái đã có mặt khắp nơi” - anh Nam thở dài.
Anh Nguyễn Hoàng Nam (ấp Mé Láng, Ngũ Lạc, Duyên Hải, Trà Vinh) và giàn quạt ôxy nuôi tôm do anh sáng chế. (Ảnh: H.D)
Cũng theo anh Nam, rào cản đến với tấm bằng sáng chế của nông dân hiện nay, phần lớn là do thời gian chờ đợi chứ không phải vấn đề tiền bạc hay kỹ thuật, vì hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở KHCN các địa phương đã có khá nhiều chương trình hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật cho những nhà sáng chế không chuyên làm hồ sơ đăng ký. “Nông dân chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để sáng chế ra những sản phẩm phù hợp với thực tiễn công việc. Nhưng đến khi thành công rồi, đi đăng ký thì gian nan quá... Hiện tôi đã đăng ký 3 sản phẩm và tất cả đều phải đợi một chữ “chờ” - anh Nam nói.
Nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tháng 5.2015, nông dân Trần Đại Nghĩa (thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, người sáng chế ra máy cấy lúa không dùng động cơ) nghĩ là hồ sơ đã ổn và yên tâm chờ đến ngày được cấp bằng. Anh khá tự tin với hồ sơ của mình vì đã được cán bộ Sở KHCN Thái Bình trực tiếp hướng dẫn. Nhưng 1 tháng sau, anh mới nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ. “Lần này, tôi phải tìm tới văn phòng luật sư và nhờ làm lại từ đầu”. Và chỉ trong vài tháng, khi anh Nghĩa còn đang loay hoay với việc hồ sơ hợp lệ hay hồ sơ chưa hợp lệ, thì sản phẩm của anh đã bị nhiều nơi nhăm nhe làm nhái. “Sản phẩm có khả năng ứng dụng cao là có ngay người làm nhái. Mình biết đấy nhưng không làm thế nào để bảo vệ được. Tôi cũng nghĩ đến việc “ỉm” đi chờ đến khi nào có bằng thì sản xuất hàng loạt. Nhưng bà con biết thì cứ đến nhờ, tôi đành bỏ vốn làm để bà con hưởng lợi, dù biết như thế khả năng mình mất sáng chế là rất cao”.
Không chỉ anh Nam, anh Nghĩa, mà còn nhiều câu chuyện buồn khác của những “kỹ sư chân đất” bị nhái sản phẩm của mình ngay trong khoảng thời gian chờ nhận được bằng sáng chế như: Nông dân Phạm Văn Hát (thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) bị nhái sản phẩm máy cày 2 lưỡi; nông dân Đinh Văn Sơn (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bị nhái sản phẩm máy vo viên thức ăn từ phụ phẩm thủy sản, phụ phẩm nông nghiệp…
Thực trạng này, theo ông Mai Văn Nhiều - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Long An là khá phổ biến. "Các sản phẩm sáng chế của nông dân thường đơn giản, dễ bắt chước nên đúng là có trường hợp, nông dân đi đăng ký cấp bằng, khi chưa được bảo hộ thì đã bị ăn cắp rồi” - ông Nhiều chia sẻ.
Thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần
"Các sản phẩm sáng chế của nông dân thường đơn giản, dễ bắt chước nên đúng là có trường hợp, nông dân đi đăng ký cấp bằng, khi chưa được bảo hộ thì đã bị ăn cắp rồi”.
Ông Mai Văn Nhiều - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Long An
|
Lo ngại trước việc đã xuất hiện nơi làm nhái sản phẩm máy cày bừa sử dụng động cơ xăng của mình, đồng thời, cũng mong muốn có bằng sáng chế để sản xuất đại trà, năm 2013, nông dân Bùi Sỹ Tới (thôn Trung Tâm, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã nhờ một công ty tư vấn làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ. Khá thuận lợi khi nhận được sự hỗ trợ kinh phí cũng như kỹ thuật của Sở KHCN Yên Bái, theo đúng quy trình, đến đầu năm 2014, ông Bùi Sỹ Tới đã nhận được quyết định đăng ký bảo hộ sáng chế của Cục SHTT (Quyết định số 1313/QĐ – SHTT ngày 13.1.2014). Nhưng đó cũng là lúc sáng chế của ông đã bị làm nhái chán chê.
“Lúc máy mới ra, tôi biết cũng có nhiều nơi làm nhái. Như hồi đầu có 1 cơ sở ở Sơn Tây (Hà Nội) làm nhái sản phẩm của tôi. Thiệt hại cũng tương đối”. Rất may, với sự kiên trì cải tiến, sản phẩm của ông Tới vẫn được bà con đón nhận và nhu cầu mua ngày càng cao. “Nếu có bằng sáng chế, được địa phương hỗ trợ sản xuất hàng loạt thì sẽ lợi cho bà con và cả người làm như chúng tôi. Nhưng quả thực, thời gian chờ đợi bằng sáng chế lâu quá. Tôi cũng biết, có nhiều người làm nhưng không hiệu quả” - ông Tới chia sẻ.
Tâm huyết và mày mò để cho ra đời máy nông nghiệp đa năng 8 trong 1 có khả năng làm được tất cả các việc đồng áng, nhưng anh Tạ Đình Huy (An Vỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) lại vẫn rất băn khoăn với việc đăng ký sở hữu trí tuệ. “Làm hồ sơ đã không đơn giản, thời gian sau khi trình hồ sơ lên để thẩm định cũng lâu quá. Quả thật, nghĩ đến đã nản…” - anh Huy thật thà chia sẻ.
Đó có lẽ cũng là một phần lý do, khiến cho hàng trăm nhà sáng chế nông dân nhiều năm nay vẫn buộc phải “thờ ơ” với bằng sáng chế.
Nông dân Bùi Trọng Tuấn (Thanh Miếu, Việt Trì, Phú Thọ): Tôi may mắn hơn
So với nhiều nhà sáng chế khác, tôi thấy mình có may mắn trong quá trình bảo hộ sản phẩm. Trong một lần mang sản phẩm đi triển lãm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có ghé thăm gian hàng, đánh giá cao sản phẩm. Sau đó, tôi được một Phó Chủ tịch UBND tỉnh khuyên đi làm bảo hộ sản phẩm. Đích thân vị này đã đưa tôi đến Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) gặp anh Sơn (nay là ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT - PV). Ông Sơn đã ngồi nghe tôi trình bày ý tưởng về sản phẩm rồi hướng dẫn tôi làm hồ sơ ngay tại chỗ và việc tiếp nhận hồ sơ cũng được thực hiện ngay. Hơn một năm sau, tôi được Cục SHTT cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Nông dân Nguyễn Hoàng Nam (ấp Mé Láng, Ngũ Lạc, Duyên Hải, Trà Vinh): Rút ruột gan nói với lãnh đạo
Có rất nhiều nông dân sáng chế. Nhưng may mắn được dự lễ tôn vinh ở Hà Nội như tôi, thì chẳng được mấy người. Tôi rút ruột rút gan để nói với lãnh đạo Nhà nước, với Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường với ước mơ là phải có tổ chức nào đó đứng ra bảo hộ tạm thời các sáng chế của nông dân, chứ chờ giấy chính thức thì chúng tôi không chờ nổi.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Công ty luật SBLAW (Hà Nội): Cần rút ngắn thời gian thẩm định
Theo quy định của Luật SHTT, tổng thời gian từ khi nộp đơn đăng ký sáng chế đến khi được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là 38 tháng (chưa kể hồ sơ bị trục trặc). So với các đối tượng khác như đăng ký nhãn hiệu thì thời gian gấp 3 lần. Chính vì thế, nhiều khi được cầm được văn bằng bảo hộ thì sáng chế đã bị lạc hậu hoặc bị người khác sử dụng.
Mặc dù Luật SHTT đã có những quy định để bảo vệ sáng chế như được hưởng quyền được bảo hộ tạm thời, quyền tạm thời đối với sáng chế… nhưng theo tôi những quy định đó chưa đủ mạnh. Và điểm mấu chốt ở đây là quy trình thẩm định quá dài không những tạo kẽ hở mà còn khiến các nhà sáng chế nản lòng.
Để khắc phục tình trạng trên cần phải sửa đổi một số quy định của Luật SHTT theo hướng: Giảm thời gian thẩm định nội dung thành 12 tháng, thay vì 18 tháng như hiện nay.
Bên cạnh đó, người nộp đơn nên tận dụng những ưu đãi của Luật SHTT như: Sau khi đơn đăng ký sáng chế đã được chấp nhận hợp lệ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục SHTT công bố sớm đơn sáng chế trong tháng thứ 2 kể từ ngày yêu cầu (thay vì phải đợi tới tháng thứ 19 theo quy định của pháp luật).
Mặt khác người sáng chế nên nhờ các luật sư có kinh nghiệm để trợ giúp trong việc viết bản mô tả, viết yêu cầu bảo hộ và các vấn đề liên quan khác để tránh sai sót làm kéo dài thời gian thẩm định. Đồng thời người sáng chế cần tra cứu dữ liệu thông tin sáng chế trước khi nghiên cứu giải pháp cải tiến kỹ thuật để tránh trùng lặp, mất thời gian và công sức.
Lê Chiên - Hữu Danh - Vinh Hải (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.