Nông dân, nông nghiệp Mỹ - nghe và thấy

Thứ hai, ngày 02/09/2013 13:35 PM (GMT+7)
Người chưa đến nước Mỹ thường có hai tâm trạng: Cảm phục và sợ hãi. Cảm phục vì nền khoa học công nghệ hiện đại, sức sáng tạo và sự giàu sang. Sợ hãi vì súng đạn, biểu tình hoặc hoạt động của băng nhóm tội phạm...
Bình luận 0
Trong chuyến công tác này, chúng tôi bị cuốn vào những chuyện thú vị về nông nghiệp, nông dân Mỹ…

Chuyện con tôm

Đoàn đến Washington chiều 12.8 - đúng ngày Bộ Thương mại Mỹ công bố quyết định áp thuế chống trợ cấp mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Bức xúc, chúng tôi tìm gặp nhà báo Lê Minh của VTV thường trú tại Mỹ.

Anh Minh cho biết: Tôm đánh bắt và chế biến tại Mỹ chủ yếu là tôm hùm - loại tôm này khó có nước nào cạnh tranh được bởi giá bán lẻ chỉ 23,3USD/kg. Tôm của Mỹ chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu tiêu dùng nội địa, 85% sản phẩm đồng cấp, đồng loại phải nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam…

TS Nguyễn Duy Lượng (trái) và các thành viên đoàn công tác trao đổi với một nông dân Mỹ.
TS Nguyễn Duy Lượng (trái) và các thành viên đoàn công tác trao đổi với một nông dân Mỹ.

Theo phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, Công ty Minh Quý chịu thuế suất 7,88%, Công ty Nha Trang Seafoods giảm từ 7,05% xuống 1,15%. Các công ty khác giảm từ 6,07% xuống còn 4,52%. Nếu so sánh thuế suất chung với Malaysia là 54,5%, Ấn Độ 5,85%, Trung Quốc 18,16%, Ecuador 11,68% thì mức thuế suất chống trợ cấp áp cho ngành tôm Việt Nam bình quân là 4,52% thì tuy có dễ chịu hơn, nhưng rõ ràng Bộ Thương mại Mỹ đã cho rằng các nhà sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam có nhận trợ cấp từ Chính phủ.

Phán quyết nói trên của Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, đời sống của hơn 600.000 nông dân Việt Nam, gây khó khăn lớn cho nước ta xuất khẩu tôm vào Mỹ trong những tháng cuối năm nay, khi mà Thái Lan hơn ta từ nuôi đến chế biến, lại thoát khỏi “vòng kim cô” thuế chống trợ cấp. Còn Ấn Độ, tuy thuế cao hơn Việt Nam một chút, nhưng tôm nước này vào Mỹ lại không phải chịu thuế chống bán phá giá, giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 2- 3 USD/kg.

Khi chúng tôi trao đổi về vụ việc này, TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN, Trưởng đoàn công tác cho rằng, mức thuế chung cho các công ty Việt Nam đã giảm nhiều so với kết luận sơ bộ, nhưng đây vẫn là thất bại của ngành hàng tôm Việt Nam.

Thất bại này, trước hết là bởi phương pháp điều tra có sai lầm của cơ quan chức năng Mỹ khi không điều tra diện rộng, không dựa vào những chính sách, sự thực thi chính sách của Chính phủ Việt Nam để có thông tin khách quan, cơ quan chức năng Mỹ lại chỉ điều tra ở 2 doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, Công ty Minh Quý vừa thành lập nên phải đóng thuế đất những năm đầu, còn lại các doanh nghiệp nuôi tôm, chế biến tôm ở nước ta hiện nay vốn đã đầu tư nuôi và chế biến từ lâu, đều không có trợ cấp của Chính phủ.

Vì thế, việc Mỹ lấy kết quả điều tra ở 2 doanh nghiệp đem áp chung cho toàn bộ ngành hàng tôm Việt Nam là bất công, phi lý. Bây giờ, các doanh nghiệp tôm Việt Nam chỉ còn hy vọng mong manh vào quyết định cuối cùng của Ủy ban Thương mại quốc tế khả năng công bố vào ngày 26.9.2013. Song chúng ta có thể làm thay đổi được tình hình nếu các doanh nghiệp và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam làm việc tích cực với luật sư để đưa ra những bằng chứng cho thấy ngành hàng tôm Việt Nam không nhận được trợ cấp của Chính phủ. Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta vẫn có thể kiện phía Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trang trại và hợp tác xã nông nghiệp

Ông Chuck Conner - Chủ tịch Hội đồng các HTX nông nghiệp Mỹ cho biết, cả nước có 2.200 HTX nông nghiệp, với 1,5 triệu người tham gia. HTX hoạt động với 4 mục tiêu chính: Tăng thu nhập cho người nông dân; nâng cao năng lực thị trường; cung ứng dịch vụ hỗ trợ nông dân và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả nhất.

Theo ông Chuck Conner, GDP của Mỹ năm 2012 là 15.685 tỷ USD, chiếm 20% GDP thế giới, thu nhập 50.000 USD/người/năm. Về cơ cấu kinh tế thì hoạt động dịch vụ chiếm 79,76%, công nghiệp 19,1%, nông nghiệp 1,2%. Lao động nông – lâm - thuỷ sản khoảng 1,1 triệu, chiếm 0,7% so với 153,9 triệu lao động toàn nước Mỹ.

Về thu nhập, 7% trang trại đạt 250.000 USD/năm trở lên. Nông sản xuất khẩu của Mỹ 5 năm qua, trung bình thu về 139 - 147 tỷ USD/năm, riêng 2012 tuy gặp hạn hán, bão lũ gây thiệt hại nặng nhưng nông sản xuất khẩu chủ lực là ngô, đậu tương, trái cây, sữa… đạt 143,5 tỷ USD, nông dân được hưởng lợi 33% từ lợi nhuận xuất khẩu.

Tại Trại thí nghiệm của Trường Đại học Orent và một số nơi đoàn đến, chúng tôi được xem nhiều bức ảnh hoặc tại hiện trường trồng cây cà chua, đậu tương, hoa… mà toàn bộ mặt đất được che phủ màng dẻo tránh mất nước. Máng tưới tiêu dẫn ngầm hoặc nổi; phân bón được hoà vào trong nước tưới phun tự động hoặc tưới nhỏ giọt cho cây trồng.

Người nông dân lái máy cày có buồng điều hoà nhiệt độ; trên máy có các bảng thông số kỹ thuật- độ mùn, độ phì của đất, độ ẩm, dinh dưỡng, trọng lượng của hạt… máy cho biết vụ tới cần trồng loại cây nào hợp với đất và cho năng suất cao để người nông dân tự lựa chọn. Đây cũng là câu trả lời: Năng suất cây trồng nước Mỹ rất cao là nhờ khoa học kỹ thuật và sử dụng nhiều giống cây biến đổi gen như đậu tương 93% diện tích, bông 78%, ngô 63%.

Lối mở giao thương

Nông dân Mỹ là người chuyên nghiệp, lao động hoàn toàn bằng cơ giới ở các HTX và 2,1 triệu trang trại. Trung bình mỗi trang trại có 185,4ha (cao nhất 13.000ha), một đường cày dài nhất là hơn 63km, nếu dùng máy bay gieo hạt thì 5 phút mới hết một đường cày.

Từ năm 2005, nước Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Có thể nói Mỹ là một thị trường bao la và bao phủ của các sản phẩm tối tân, sạch và chất lượng cao. Mỹ thật sự là một thị trường mở, Việt Nam rất cần thị trường này nhưng chưa khai thác được nhiều.

Những hợp tác thương mại hiện có chưa xứng với tiềm năng hai nước. Và hiện tại, số lượng hàng hoá của Mỹ bán vào Việt Nam không nhiều. Có thể nói Việt Nam chưa phải là thị trường mà các nhà đầu tư Mỹ đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.

Thế mạnh của Việt Nam đưa vào thị trường Mỹ là sản phẩm công nghệ và hàng nông sản như trái cây, gạo. Để lâu bền thì ta phải nâng cao chất lượng, chấp nhận cạnh tranh chất lượng. Không phải là tất cả cơ quan chức năng của Mỹ đang làm khó cho doanh nghiệp Việt Nam, mà đối với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ Nhật, Trung Quốc, các nước châu Âu đều bị kiểm soát như vậy, đặc biệt là quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, mở rộng giao thương với Mỹ thì không còn con đường nào khác là tuân thủ các quy định của họ và chấp nhận cuộc chơi đồng đẳng, ai giỏi người đó thắng.

Doanh nghiệp Mỹ không làm ăn chộp giật, không thích bị áp đặt. Các doanh nghiệp Mỹ không bị chi phối bởi chính phủ và họ không cần quan hệ chính trị, cái họ cần là uy tín, chất lượng...

Hoàng Trọng Thủy (Hoàng Trọng Thủy )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem