Nông dân Sa Pa dọn nhà đón khách

Thứ sáu, ngày 15/02/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những bữa cơm quây quần ấm cúng quanh bếp lửa, những khu lưu trú đón khách sạch sẽ, những quán cà phê tại gia được thiết kế ấn tượng... Nông dân xã Tả Van (huyện Sa Pa, Lào Cai) dọn nhà đón khách theo cách đó.
Bình luận 0

Không chỉ homestay

Gần tết, Sa Pa lạnh cóng, nhưng đường vào xã Tả Van vẫn tấp nập du khách. Trên con đường mờ sương có hàng chục tốp đi bộ. Tới con suối cắt ngang đường vào xã Tả Van, xe du lịch xếp thành hàng.

Đi dọc con đường quanh co láng xi măng chạy ven suối lên sườn núi dẫn vào nhà anh Phan Văn Tăng - người dân tộc Giáy ở bản Tả Van Giáy, chúng tôi choáng ngợp bởi cảnh sắc diễm lệ. Những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa nhìn từ dưới lên cũng duyên dáng không kém nhìn từ trên cao xuống. Trên đường, hàng chục khách du lịch- chủ yếu là khách châu Âu hồ hởi vừa đi vừa chụp ảnh.

img
Du khách nước ngoài đi bộ ngắm cảnh ở Tả Van.

Anh Tăng đang chuẩn bị thực phẩm nấu ăn cho 2 đoàn khách gồm 9 người, đều đến từ nước Pháp. Anh cho biết: "Đây là thời kỳ thấp điểm, khách chỉ thăm bản, ăn trưa, ít người ngủ lại. Vào lúc cao điểm (tháng 9, 10 hàng năm), nhà tôi đón chừng 30 khách/ngày". Căn nhà của anh khá sạch sẽ, có 17 giường ngủ và căn bếp rộng để khách có thể ngồi ăn ngay cạnh bếp lửa. Nhìn căn nhà này, nhìn anh, khó có thể tưởng tượng được mỗi năm đón tới hơn 1.200 khách châu Âu lưu trú.

Tuy nhiên, ngay khi khách đến, chúng tôi hiểu vì sao căn nhà của anh thu hút khách tới vậy. Nhóm khách đầu tiên tới là gia đình ông Thomas Gueit- tới từ Paris, anh Tăng chuẩn bị nguyên liệu làm nem cho khách tự gói, tự rán và… thưởng thức ngay tại bếp. Sau đó là món cá suối nướng than hoa. Nem chín vàng, cá chín tới, bàn ăn được kê ra, anh tiếp tục xào nấu các món nóng còn lại là thịt gà xào nấm, cải thảo xào tỏi, đậu sốt… Cậu con trai của ông Thomas là Jean - Marie cực kỳ thích thú với việc cuốn nem và… hút thuốc lào.

Bữa ăn bỗng rộn rã khi nhóm khách thứ 2 tới- nhóm khách này tới từ tỉnh Isere (Pháp), những người Pháp ở tít nửa vòng Trái đất - khó gặp nhau trên đất nước mình, lại gặp nhau ở nơi vùng núi xa xôi của Việt Nam- rất nhanh chóng đã giao lưu với nhau thân ái. Ông Thomas hào hứng: "Tôi thích cảnh đẹp ở đây, thích không khí bữa ăn này. Tôi sẽ quay lại Sa Pa".

img
Jean- Marie thử hút thuốc lào.

Xong bữa ăn, du khách tiếp tục tham quan nhà anh Tăng. Đó là ngôi nhà cổ làm bằng gỗ pơ mu đắt tiền nằm thoai thoải sườn đồi, khung cảnh nhìn xuống tuyệt đẹp. Sau đó là một tour vòng quanh bản với những điểm ngắm thung lũng Mường Hoa từ trên xuống khá ấn tượng. Đó đây, các cô thiếu nữ Mông, Dao, Giáy đi lại, làm ăn và trò chuyện với khách du lịch hết sức tự nhiên.

Không đào tạo, không có dịch vụ tốt

Gia đình anh Tăng là một trong số khoảng 40 gia đình ở bản Tả Van Giáy dọn nhà đón khách theo mô hình homestay. Anh bắt đầu đón khách từ khoảng 7 năm trước, "nhưng làm bài bản thì được chừng hơn 1 năm nay, và khách tới đây rất thích"- anh Tăng cho biết. Người châu Âu kỹ tính việc ăn uống (không ăn mì chính, không cho quá nhiều gia vị…) ban đêm chủ nhà cũng tổ chức đốt lửa, thực hiện các màn múa quạt, nhảy sạp, thổi kèn... phục vụ du khách.

Để làm được các dịch vụ trên anh Tăng cũng phải học. Ban đầu là học từ các hướng dẫn viên dẫn khách lên bản. Sau đó năm 2012, được sự hỗ trợ của Tổ chức Đón tiếp nông dân của Pháp, anh có cơ hội đi Pháp 1 tháng học hỏi cách làm du lịch cộng đồng bền vững tại 4 vùng là Saint- Etient, Limoge, Grenobe, Paris. Gần đây nhất, cuối tháng 12.2012, vợ anh là chị Lục Thị Sĩ cũng được tham gia khóa đào tạo du lịch homestay và tới giờ, vợ chồng anh khá tự tin khi tiếp khách.

Vợ chồng anh Nông Văn Sằn, Sầm Thị Mùi cũng vừa học qua lớp đào tạo về du lịch. Từ thực tế, anh Sằn chia sẻ: "Du khách châu Âu họ có thể không cần tiện nghi nhưng phải sạch. Chẳng hạn như chăn, ga, sau khi khách dùng xong là phải giặt sao cho lúc nào cũng thơm tho. Ngoài ra, họ rất để ý khâu vệ sinh (nhất là nhà WC) và an toàn thực phẩm. Đảm bảo đủ 3 tiêu chí ấy là hút khách". Bởi vậy, những gì anh học hỏi nhiều nhất là kỹ năng buồng, phòng.

Thống kê của UBND xã Tả Van, mô hình này bình quân mỗi tháng đón hàng nghìn khách du lịch đến lưu trú qua đêm. Ngành du lịch rất chú trọng đào tạo cho bà con để việc đón khách được chu đáo hơn.

Lê Anh Tuấn- một thanh niên Nam Định, lấy vợ ở Sa Pa thì làm du lịch homestay chuyên nghiệp hơn. Tuấn đã học trung cấp du lịch, biết nấu ăn. Có chút vốn liếng, kiến thức, Tuấn dựng quán trong nhà bằng nguyên liệu tre trúc nhưng rất Tây, và góc nhìn từ lan can của nhà hàng nhìn xuống đẹp tới nao lòng. Cũng như anh Tăng, Tuấn cho rằng ngoài thức ăn ngon, cảnh đẹp, vấn đề vệ sinh được du khách quan tâm nhiều nhất. và vì thế, tới Tả Van, công trình đập vào mắt đầu tiên có lẽ là… nhà WC.

Dẫu sản phẩm du lịch đã được đầu tư bài bản, nhưng giá cả dịch vụ ở đây được đánh giá là khá rẻ, ngay cả với khách Việt. Ngủ đêm tại nhà (1 người/giường) giá từ 50.000-70.000 đồng/đêm; đặt ăn từ 100.000-150.000 đồng/người (miễn phí cho hướng dẫn viên). Lê Anh Tuấn cho biết, hiện trong bản cũng có nhiều "chiêu" cạnh tranh về giá (thấp hơn mức giá trên), nhưng thực tế 100% hộ dân trong bản Tả Van Giáy đã thoát nghèo nhờ du lịch.

Ông Đôn Tuấn Phương- Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững - Liên hiệp Các hội khoa học- kỹ thuật VN: Du lịch cộng đồng “đuổi” đói nghèo

Trung tâm chúng tôi đang triển khai Dự án du lịch sinh thái cộng đồng tại xã An Lạc (Sơn Động, Bắc Giang). Xã An Lạc nằm ngay cửa rừng, là nơi sinh sống của 14 dân tộc thiểu số, cảnh quan rất đẹp. Cách tiếp cận của dự án là tạo sinh kế cho người nghèo bằng phát triển du lịch. Chúng tôi tổ chức hướng dẫn người dân làm du lịch bền vững, phát triển nghề phụ (làm hương và trồng, khai thác thuốc Nam). Họ được đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng dịch vụ (nấu ăn, buồng, phòng...), kỹ năng hướng dẫn khách.
Ban đầu, người dân chưa có kinh nghiệm đón khách, tổ chức dịch vụ lưu trú nên phải đào tạo và tổ chức cho bà con đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng (ở Giao Thủy, Nam Định)- xem nông dân nơi khác làm dịch vụ, đón khách thế nào. Khi biết nông dân nhiều nơi cũng làm như mình, họ tự tin hẳn.
Hiện nay, khách du lịch trong và ngoài nước rất hào hứng với các tour du lịch thôn dã ở Việt Nam. Tôi tin rằng loại hình du lịch cộng đồng, do nông dân đứng ra tổ chức sẽ phát triển. Muốn vậy, loại hình này phải có chiến lược để quảng bá. Có quy hoạch cụ thể. 

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Công ty Green Field Hà Nội: Nông dân cần được đào tạo

Việt Nam hiện có rất nhiều điểm du lịch sinh thái, cộng đồng. Nổi tiếng nhất là Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)… Điểm nhấn của các vùng du lịch này là nông dân đang dần làm chủ thể để tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Và khách du lịch, nhất là nước ngoài họ đánh giá cao điều đó. Tôi đã dẫn nhiều đoàn khách lên Sa Pa, họ thích tới tham quan, ăn, ngủ nghỉ tại những gia đình "100% bản địa", bởi ở đó họ được đắm mình trong bản sắc thật của dân tộc, cộng đồng nơi họ đến.
Ở Sa Pa và nhiều nơi khác cũng có những gia đình lên thuê nhà của người dân tộc và kinh doanh du lịch cộng đồng, họ có thể làm dịch vụ giỏi, chuyên nghiệp nhưng không thu hút bởi thiếu "chất" địa phương.
Từ những năm 2008, tôi cũng đã đứng lớp đào tạo du lịch cộng đồng cho bà con. Tôi nhận thấy người nông dân cần được đào tạo bài bản hơn, cần được hỗ trợ tốt hơn về thị trường. Nhất là những điểm du lịch mới.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem