Nông dân TP.HCM hào hứng dạy nhau... kiếm tiền triệu

Nguyễn Hữu Thứ tư, ngày 20/08/2014 15:26 PM (GMT+7)
Những năm qua phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế luôn được đẩy mạnh tại TP.HCM. Từ phong trào này nhiều nông dân không chỉ biết vươn lên làm giàu cho bản thân mình mà còn giúp đỡ các nông dân khác ổn định, phát triển sản xuất.
Bình luận 0

Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chơi hoa kiểng, Nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) được nhiều người xem là “anh cả” trong nghề cây kiểng tại TP.HCM. Ông cũng được bầu chọn là nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm liền.

Hiện nay vườn nhà ông có diện tích sản xuất là 3.500m2 với hơn 1.000 cây gồm bonsai, hoa kiểng các loại cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm. Không những làm giàu cho bản thân, ông còn thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, ông Ánh còn hỗ trợ giúp đỡ 6 hộ nông dân tại địa phương thoát nghèo. “Tôi luôn sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm mình có được để cùng bà con phát triển nghề hoa kiểng” - Nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh nói.

Cũng tại Bình Chánh, nghệ nhân Trương Văn Phượng (xã Hưng Long) là hội viên nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền (2008 – 2012) từ nghề trồng hoa sứ. Những năm qua bên cạnh việc sản xuất tại gia đình ông còn tích cực vận động những hộ yêu nghề trồng hoa sứ vào câu lạc bộ, trao đổi kinh nghiệm, bán cây giống mới trả chậm cho nông dân...

Hội viên nông dân Nguyễn Thị Hường (xã Tân Hiệp, Hóc Môn) cũng được xem là gương điển hình trong phong trào giúp nhau làm kinh tế. Qua tìm hiểu trên sách vở, cũng như thông qua các lớp tập huấn tại Trung tâm Khuyến nông thành phố, bà đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Nhờ đó công việc chăn nuôi bò sữa của gia đình bà ngày càng phát triển với số lượng bò lên trên 50 con, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Với những kiến thức có được, bà Hường cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các nông dân khác. Trong đó bà hướng dẫn trực tiếp cho khoảng 70 hộ dân về chăn nuôi bò sữa, nuôi trùn quế. Bà còn đứng ra bảo lãnh giúp một số hộ dân mua máy vắt sữa bò theo hình thức trả chậm, trả dần.

Bà Hường cho biết, nông dân hiện nay nhiều người còn thiếu kiến thức trong sản xuất, do đó việc chia sẻ những kinh nghiệm có được với nông dân là điều nên làm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem