Nông dân TP.HCM làm nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao

Quang Dương Thứ bảy, ngày 11/05/2024 10:37 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở ngay tại đô thị của TP.HCM vẫn phát triển nông nghiệp hiệu quả cao. Đặc biệt sản xuất những sản phẩm nông nghiệp cung ứng cho đô thị.
Bình luận 0

ệTrồng mai vàng bonsai

Là một trong những nông dân tiêu biểu của quận 12 (TP.HCM), anh Phạm Thanh Hòa có khả năng khéo léo, tạo dáng nhiều gốc mai vàng có hình thù độc lạ.

Anh Hòa cho biết, vườn của anh có diện tích khoảng 1.500m2, trong đó có khoảng 300 gốc mai được tạo dáng bonsai độc lạ. Trong số đó, có những cây mai được anh Hòa tạo dáng vô cùng độc đáo như: chậu mai mô phỏng dáng ba con nai, chậu mai có hình con cóc ngậm tiền vàng, chậu mai có hình lục bình, chậu mai có hình lò xo…

Nông dân TP.HCM làm nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao- Ảnh 1.

Anh Phạm Thanh Hòa là nông dân TP.HCM trồng cây kiểng, làm nông nghiệp ngay tại đô thị. Ảnh: Quang Sung

Việc trồng mai tạo dáng độc lạ như anh tốn rất nhiều thời gian và công chăm sóc. Đổi lại, những chậu mai này mang lại giá trị kinh tế cao, có nét đặc trưng và nhờ thế anh được nhiều người trong giới biết đến.

"Trồng mai này cực, một năm phải tạo dáng từ 1-3 lần, còn trồng mai bình thường chỉ làm 1 lần. Nhiều khách hàng có kinh tế khá giả họ thích chơi mai này. Nhà họ đẹp, chưng những cây mai bình thường họ chưa thấy đã thèm, nên họ thích những chậu mai có dáng độc lạ", anh Hòa nói.

Vườn mai của anh Hòa đã được 20 năm, và trở thành một trong những vườn mai nổi tiếng nhất quận 12 nói riêng và cả TP.HCM nói chung. Mỗi dịp gần Tết Âm lịch, vào giữa tháng 11 âm lịch cho đến đầu tháng Chạp là khách hàng đã đến vườn anh Hòa để đặt cọc.

Kiểng lá cung ứng cho thị dân

Cùng sản xuất mảng hoa, cây kiểng trên địa bàn quận 12, chị Nguyễn Thị Hà Thu – Tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ hoa kiểng phường An Phú Đông, đang phát triển mô hình kiểng lá.

Theo chị Thu, những năm gần đây, xu hướng của con người đang tìm về thiên nhiên, thích những mảng xanh. Đây cũng là lý do kiểng lá ngày càng được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là người dân ở đô thị.

"Hướng tới một đô thị xanh, không phát thải thì cây xanh và các mảng công trình xanh là lựa chọn hàng đầu, do đó tiềm năng của ngành kiểng lá là rất lớn. Đơn vị của mình hướng đến việc đưa thiên nhiên vào cuộc sống đô thị", chị Thu cho biết.

Hiện nay, chị Thu có vườn ươm rộng hơn 1.000m2, trong đó có khoảng 200 loài kiểng lá như: trầu bà Nam Mỹ, hồng môn, dương xỉ các loại, tổ rồng…

"Sau 3 năm thành lập, tổ hợp tác của chúng tôi mang lại thu nhập ổn định cho thành viên, quy mô ngày càng mở rộng. Những thành viên tổ hợp tác đều nhận thấy giá trị kinh tế mà ngành kiểng lá mang lại, vì nhu cầu của thị trường hiện nay rất cao", chị Thu cho biết.

Nông dân TP.HCM làm nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao- Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Lê Minh Dũng (bên phải cùng) thăm mô hình tổ hợp tác kiểng lá của chị Thu. Ảnh: Quang Sung

Tham quan mô hình của anh Hòa và chị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Lê Minh Dũng đánh giá cao sự sáng tạo, tay nghề cao của các nông dân. Đồng thời, ông Dũng gợi ý thêm một số giải pháp nâng cao giá trị kinh tế cho mô hình nông nghiệp như: xây dựng logo thương hiệu, kết hợp phát triển sản xuất và du lịch…

Được biết Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (giai đoạn 2024 - 2025) đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác trồng hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố đạt 1.850ha và diện tích gieo trồng đạt 2.240ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem