Hàng trăm hộ trồng cao su ở Ngọc Lặc (Thanh Hoá), đang rơi vào thế: “Tiến thoái, lưỡng nan”...
Tan hoang… “vàng trắng”
Về Ngọc Lặc những ngày này, đi dọc đường Hồ Chí Minh thi thoảng lại thấy những chiếc xe tải, công nông chở gỗ, củi ngược xuôi. Hỏi ra mới biết, đó là gỗ cao su mà bà con ở các xã Minh Tiến, Minh Sơn, Lam Sơn vừa “tự xử”.
|
Tiếng cưa máy thiến vào thân cây cao su, như cứa vào ruột gan người nông dân. |
Lần theo vết xe, chúng tôi tìm về những cánh rừng cao su của xã Lam Sơn, Minh Tiến. Khi xe vừa chớm đến cánh rừng cao su, chúng tôi không tin vào mắt mình, bởi cảnh hoang tàn, ngổn ngang như sau trận bom. Tiếng cưa máy nghiến vào thân gỗ nghe rờn rợn.
Theo tìm hiểu, chỉ trong vòng nửa tháng, ở xã Minh Tiến đã có hàng chục hécta cao su bị đốn hạ bán với giá… củi đun 350.000 đồng/m3. Mỗi hécta cao su trung bình bán được 4–5 triệu đồng.
Mặc dù buộc phải thanh lý, nhưng đa số người trồng cao su đều đang nợ vốn đầu tư của Công ty TNHH Lam Sơn, nên việc thanh lý do phía công ty chỉ đạo hòng “xiết nợ”. Nếu muốn tự do bán cây thì họ phải trả hết nợ cũ. Ngặt nỗi, cao su không có mủ, thuế còn chưa đủ, thì lấy tiền đâu trả nợ.
Do đó, mặc dù biết mình bị bắt chẹt, nhưng không có tiền trả nợ nên nông dân đành để công ty “làm giá”, được sao hay vậy. Tiền bán cây được công ty trừ vào nợ, nên mặc dù bán 2–3ha cây cao su, nhưng người dân không được đút một xu nào vào túi, mà chỉ được “âm trừ” khoảng 1/3 tổng nợ.
Thẫn thờ nhìn những cây cao su hơn chục năm tuổi thân to gần một người ôm lần lượt bị cưa đổ, anh Phạn Ngọc Quỳnh rầu giọng: “Trồng 13 – 14 năm trời, nhưng chỉ “cưa” một buổi sáng là trắng tay. Nếu giống cao su của Công ty Lam Sơn tốt, nhiều mủ, thì chúng tôi đã trả được nợ và cuộc sống không phải vất vả như thế này!”.
Đi mắc sông, quay đầu mắc núi
Theo “Hợp đồng kinh tế giao nhận đất khoanh trồng và kinh doanh cây cao su” ký năm 1997, giữa ông Ngô Khúc Tâm – Giám đốc Nông trường Lam Sơn với các hộ dân, thì thời gian sử dụng đất trồng cao su là 50 năm. Nhưng khi cây cao su không cho mủ, nông dân buộc phải chặt bỏ, thì họ lại bị Công ty Lam Sơn “ép” chuyển từ hợp đồng 50 năm, xuống còn 10 năm.
Trồng 13–14 năm trời, nhưng chỉ “cưa” một buổi sáng là trắng tay. Nếu giống cao su của Công ty tốt thì chúng tôi đã trả được nợ và cuộc sống không phải vất vả như thế này!
Anh Phạm Ngọc Quỳnh
“Với hợp đồng 10 năm, chúng tôi rất khó để trồng cây gì có lãi trên diện tích được thuê. Nếu trồng cao su thì không đủ thời gian, trồng cây keo sau 10 năm mới cho thu hoạch, giá như thế là rất đắt!?” – anh Phan Văn Bạch (Đội 10, xã Minh Tiến) than thở.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành lập luận: “Chúng tôi thực hiện theo đúng Nghị định 135 ngày 8.11.2005 của Chính phủ, về việc giao khoán đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm. Tại Chương 2, Điều 12, mục 3 của nghị định này ghi: Chu kỳ một lần giao đất tối đa không quá 30 năm.
Chúng tôi “linh động” giao 10 năm, là vừa một chu kỳ của cây lâm nghiệp và để dễ quản lý hơn. Nếu hộ nào sản xuất tốt, đóng thuế, sản đầy đủ hết hợp đồng sẽ được xem xét tái ký hợp đồng, và ngược lại sẽ bị thu lại đất”. Như vậy là vô hình chung, Công ty Lam Sơn đã đẩy nông dân vào thế “tiến thoái… lưỡng nan”.
Theo tìm hiểu của NTNN, sau khi các hộ phá cao su để trồng lại giống cao su mới do Công ty Lam Sơn cấp, thì lại bị Công ty “ép” chuyển hợp đồng từ 50 năm xuống còn 10 năm, buộc hàng trăm hộ có diện tích cao su không mủ vẫn phải “ngậm bồ hòn” làm ngọt.
Đảo mắt nhìn về phía rừng cao su nhà mình, bà Ngô Thị Nam (đội 5, xã Lam Sơn) nghẹn ngào: “Cả gia đình tôi chỉ biết trông chờ vào hơn 1ha cao su này, nếu nộp hết cho Công ty vẫn không đủ sản. Nhưng mỗi ngày “tiết kiệm” một ít, may ra còn có đồng mắm, đồng muối, chứ chặt đi trồng lại phải chờ đến 7– 8 năm sau mới hy vọng thu hoạch. Nhỡ 7 – 8 năm sau nó lại “tịt” mủ như bây giờ, thì biết bấu vào đâu để sống, lấy gì để trả nợ Công ty!?”.
Ông Nguyễn Xuân Thành “chân thành” cho biết, những giống cao su dùng để trồng lại lần này gồm: Dim 600, Dim 712, DW 4 và PB 260, được lấy từ Viện Nghiên cứu và phát triển cây cao su Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thành cũng không dám khẳng định là những giống này sẽ cho mủ tốt hay không?
Và để biết những giống cao su này có mủ hay không, thêm một lần nữa, Công ty Lam Sơn lại buộc người nông dân “đánh bạc” bằng một “phép thử”, mà kết quả sẽ được… giải đáp sau 7 - 8 năm nữa?!
(Còn nữa)
Việt Tùng - Minh Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.