Nông dân viết tâm thư gửi Bộ trưởng: Hãy chỉ cho dân trồng cây gì, giống gì...

Thứ năm, ngày 01/08/2013 07:03 AM (GMT+7)
24 năm gắn bó nghề trồng lúa, với bao buồn vui, chưa bao giờ anh Huỳnh Văn Sơn (48 tuổi) nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Cũng vì muốn mình và nhiều nông dân an tâm làm nghề nông, anh đã viết thư bày tỏ gửi Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Bình luận 0
Động cơ nào thôi thúc anh viết thư gửi Bộ trưởng “kêu cứu”?

- Thực tế người trồng lúa hiện nay ai cũng đang mắc nợ, không nhiều thì cũng ít. Ai cũng phải làm thêm hay nuôi thêm con gì đó để trang trải chi phí gia đình. Nhưng giá heo, gà 2 năm nay cũng rớt dài dài, rồi dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng cao, khiến chúng tôi bị lỗ kép nên treo chuồng hết.

Hạt lúa chỉ giúp nhà nông không đói chứ không làm họ hết nghèo. Trước vụ, họ phải vay tiền ngân hàng hay mua thiếu của đại lý giống má, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Cuối vụ bán lúa trả nợ, còn dư bao nhiêu mới để trong nhà ăn. Rồi vụ sau lại tiếp tục lặp lại như vậy, nông dân hầu như không có tích lũy để giàu lên.

Những vụ lúa trong 1 năm trở lại đây giá cả hết sức bấp bênh, càng làm càng lỗ. Tôi vừa chứng kiến cảnh vợ chồng thằng bạn ngồi trên bờ ruộng, chồng cân lúa, vợ ngồi ghi mà nước mắt chảy dài dù trúng mùa, năng suất đạt tới 8 tấn/ha. Hỏi chuyện thì nó nói không đủ tiền trả nợ ngân hàng do giá lúa quá thấp.

Nghe xong tôi cũng muốn khóc theo vì thấy giống cảnh nhà mình quá. Thế nên tối đó tôi quyết tâm ngồi xuống bàn viết thư gởi Bộ trưởng Cao Đức Phát, thực sự là để kêu cứu, mong Bộ trưởng cứu chúng tôi để không phải bỏ cái nghề đã gắn bó với mình mấy chục năm.

Bộ NNPTNT đang có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh có ủng hộ kế hoạch này?

- Việc Bộ NNPTNT có kế hoạch giảm bớt đất trồng lúa, tăng trồng các loại cây khác hiệu quả hơn là rất đúng đắn. Bởi dù có bớt trồng thì cũng còn từ 1 - 2 vụ/ năm. Tôi cũng rất đồng tình với Bộ NNPTNT nên tập trung phát triển cây bắp (ngô), đậu nành (đậu tương) hay mè (vừng) để phục vụ cho nhu cầu làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ba vấn đề quan trọng nhất trong việc chuyển đổi theo tôi là kỹ thuật, đầu ra và máy móc cơ giới hóa đồng ruộng. ?Nếu Bộ NNPTNT và Nhà nước giải quyết được 3 vấn đề này thì tôi nghĩ việc chuyển đổi sẽ không khó.

Để không phải ly nông và bám trụ được lâu dài với nghề nông, những đề xuất của anh đến Bộ trưởng Cao Đức Phát là gì?

- Tôi nghĩ chúng ta đã đến lúc phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu song song với việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Tôi rất mong Bộ trưởng phát huy mô hình cánh đồng mẫu (dù trồng lúa hay trồng màu) theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.

Mô hình cánh đồng mẫu còn có lợi thế liên kết được 4 nhà, kéo được doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, giúp nông dân tránh được việc vay mượn, nợ nần và không phải chạy đôn chạy đáo kiếm thương lái mua lúa.

Nếu có được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm thì dù lợi nhuận có giảm chút ít, không cần 30% như Chính phủ nói đâu, mà chỉ cần có lời 15 - 20% là nông dân chúng tôi mừng hết lớn rồi và sẵn sàng ký kết hợp tác lâu dài ngay.

Tôi cũng mạo muội xin góp ý cho Bộ trưởng nên có các giải pháp quyết liệt hơn trong vấn đề quy hoạch lại vùng sản xuất lúa. Để quy hoạch đúng, ngài phải có được thông tin về thị trường tốt và khuyến cáo cho địa phương, nông dân chúng tôi nên trồng cây gì, giống gì mà thị trường cần, xài thuốc bảo vệ thực vật gì mà các nước cho phép. Chứ để như hiện nay quá bát nháo.

Xin cảm ơn anh!
Ngọc Minh (thực hiện) ( Ngọc Minh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem