Nông lâm trường quốc doanh: “Ôm” nhiều đất, nhưng... yếu

Chủ nhật, ngày 16/06/2013 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 10 năm đổi mới, mặc dù các nông lâm trường quốc doanh (NLTQD) đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, yếu kém.
Bình luận 0

Vẫn còn hơn 8.000ha đất để hoang…

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) mới đây cho biết, sau quá trình sắp xếp lại các NLTQD theo Nghị quyết 28 (2003) của Bộ Chính trị, đến nay diện tích đất do các NLTQD quản lý giảm mạnh, chỉ còn 2.064.690ha, giảm hơn 50%.

Trong đó, rừng phòng hộ giảm hơn 1,3 triệu ha, chủ yếu chuyển sang các ban quản lý rừng; chuyển giao cho địa phương 565.167ha, chiếm 14,2% tổng diện tích đất do các NLTQD quản lý trước đó để giao lại cho người có nhu cầu sử dụng. Việc chuyển giao này đang từng bước giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân sở tại.

img
NLTQD không quản lý hết đất, trong khi nhiều nơi nông dân không có đất sản xuất (ảnh minh họa).

Theo ông Phạm Quốc Doanh – Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (đơn vị trực thuộc Chính phủ), bình quân một NLTQD quản lý khoảng 2.577ha, hiện nay tại các nông trường chủ yếu sử dụng đất theo 2 hình thức chính: “Tự tổ chức sản xuất” và “khoán”. Diện tích đất để hoang, không sử dụng hiện còn 8.585ha (trước khi sắp xếp đổi mới là 13.135ha).

Cái được của NLTQD sau 10 năm đổi mới, theo đánh giá của ông Phạm Quốc Doanh là đã tách bạch được giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ công ích; đã làm rõ ràng hiện trạng đất, lập được quy hoạch sử dụng đất của công ty nông lâm nghiệp.

Đến nay cơ bản đã hoàn thành xong việc rà soát phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của NLTQD, sau khi rà soát xong đã phân loại ra một số loại để xây dựng đề án sắp xếp đổi mới và phát triển. Đến nay hầu hết các công ty nông lâm nghiệp đã tiến hành rà soát hiện trạng quản lý sử dụng đất, một số đã tiến hành cắm mốc thực địa xác định ranh giới và xin được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Đối với công ty sản xuất kinh doanh chuyển sang ký hợp đồng thuê đất với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ đơn vị chuyển sang thuê đất của Nhà nước vẫn rất thấp, diện tích thuê đất chỉ khoảng 3%.

“Sau 10 năm đổi mới, mặc dù NLTQD đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém nên không phát huy được hiệu quả sử dụng đất” - ông Phạm Quốc Doanh nhìn nhận.

Năng lực sản xuất kém

Bên cạnh năng lực quản trị doanh nghiệp nhìn chung còn yếu, hầu hết các nông lâm trường thể hiện năng lực sản xuất kém hiệu quả. Sau khi khảo sát và làm việc tại 56 NLTQD ở 15 tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng: Nông lâm trường không điều hành được kế hoạch sản xuất (cây trồng, vật nuôi) khi có kế hoạch trồng tái canh, nhất là NLTQD giao khoán không đi đôi với quản lý. Chẳng hạn như Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc (Tổng Công ty Lâm nghiệp), khi cây bạch đàn trên đất khoán được thu hoạch, lâm trường muốn tổ chức trồng lại để giao khoán, người nhận khoán không cho, lâm trường cũng bất lực. Tình trạng tương tự ở nhiều nông lâm trường khác.

Đất ở hầu hết các NLTQD chưa được đo đạc, cắm mốc trên thực địa. Tình trạng tranh chấp lấn chiếm, cho thuê mướn đất đai trái pháp luật, xâm hại rừng diễn ra khá phổ biến chưa được giải quyết triệt để, có nơi tình trạng ngày càng nghiêm trọng...”.

Về hiện trạng sử dụng đất, báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp thừa nhận, đất ở hầu hết các NLTQD chưa được đo đạc, cắm mốc trên thực địa. Tình trạng tranh chấp lấn chiếm, cho thuê mướn đất đai trái pháp luật, xâm hại rừng diễn ra khá phổ biến chưa được giải quyết triệt để, có nơi tình trạng ngày càng nghiêm trọng.

Đất giao cho các nông lâm trường có nơi giao chồng với diện tích giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khác; quyền sử dụng đất không rõ ràng, khó tạo động lực phát triển. NLTQD được giao quản lý diện tích đất lớn nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất yếu kém nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất (chỉ có một số nông trường thực sự phát huy được hiệu quả sử dụng đất).

Nhiều công ty cổ phần hiện nay không có vốn nhà nước, quản lý sử dụng hàng ngàn ha đất, nhưng vẫn chưa thực hiện thuê đất theo quy định. Cơ sở hạ tầng kém, trình độ khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất còn lạc hậu, sản xuất kinh doanh có nhiều rủi ro. Vốn ít, sản phẩm nhỏ lẻ, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường… Lợi nhuận vì vậy chưa cao so với nguồn lực đất đai được giao.

Chuyển thuê đất, doanh nghiệp sẽ “nhả” bớt đất

Một trong những nội dung cốt lõi về đổi mới NLTQD là đổi mới về cơ chế quản lý sử dụng đất, mô hình nào thì kèm theo cơ chế quản lý sử dụng ấy. Ông Phạm Quốc Doanh nêu quan điểm: “Nếu các đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh theo luật phải chuyển sang thuê đất, trước khi chuyển sang thuê đất cần tiếp tục rà soát lại một lần nữa để nắm bắt thực sự nhu cầu sử dụng đất cả công ty là bao nhiêu, và quản lý phải hiệu qủa. Diện tích còn lại, chuyển hết đất cho địa phương để rà soát lại từng đối tượng, cấp đất và quản lý nhằm đảm bảo công bằng cho người dân.

Khi đã rà soát lại rồi, đơn vị nào có nhu cầu cần bao nhiêu thì phải thuê đất của Nhà nước, cắm mốc rõ ràng và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Nếu làm như thế thì chặt chẽ ngay! Ngày xưa, thực hiện giao đất không thu tiền thì chẳng có nông lâm trường nào không ôm nhiều đất cả. Bây giờ siết chặt như thế sẽ buộc các công ty phải tính toán lại cho phù hợp với năng lực của họ”.

Đồng tình với quan điểm này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích thêm: “Có rất nhiều cuộc họp về đổi mới nông lâm trường, nhưng kết quả chưa được gì đáng kể, câu chuyện cũ vẫn còn nguyên, hiệu quả nông lâm trường dù không có tiêu chí đánh giá nhưng ai cũng thấy hoạt động nông lâm trường kém hiệu quả. Tôi nghĩ, Nhà nước nên đầu tư thêm cho một số DN lâm nghiệp hoạt động hiệu quả. Chúng ta có thể đầu tư một số DN mũi nhọn để bảo vệ và khai thác dưới tán rừng, bên cạnh đó cần giải tán những DN làm ăn kém hiệu quả. Đây là câu chuyện vẫn còn ở trước mắt. Chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới quản lý rừng, đây là câu chuyện rất lớn của nước ta”. 

Dân bản mong được giao đất

Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn tới đời sống của người dân miền núi. Xã Trường Sơn không phải là thiếu đất, nhưng bà con lại thiếu đất sản xuất vì đất phần lớn là đất rừng do lâm trường quản lý (chiếm 96% diện tích đất toàn xã). Dân bản mong muốn được giao đất gần bản, gần đường để tiện sản xuất, chăm sóc. Đây là vấn đề cần thiết nhất. Chỉ có giao đất cho dân, dân có đất, có rừng thì kinh tế mới phát triển được.

Sắp xếp theo kiểu “bình mới rượu cũ”

Quá trình sắp xếp, đổi mới nông lâm trường 10 năm qua chủ yếu được thực hiện theo hình thức “bình mới rượu cũ”. Việc đổi mới thực chất mới chỉ là đổi tên, còn phương thức hoạt động ở nhiều đơn vị vẫn bế tắc. Đặc biệt, các NLTQD đang được giao quản lý, sử dụng một nguồn đất đai quá lớn. Tính trung bình mỗi cán bộ quản lý 300–500ha rừng và đất rừng. Với diện tích lớn như vậy làm sao họ có thể sử dụng hiệu quả được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem