Báo Anh Express cho hay, MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích vào ngày 8/3/2014 rên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người trên máy bay. Cuộc điều tra chính thức kết luận chiếc máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương nhưng kết luận trên vẫn gây nhiều tranh cãi.
Trong bộ phim tài liệu "Chuyến bay MH370", Tiến sĩ Sally Leivesley, nhà tư vấn quản lý rủi ro đặt ra giả thiết rằng, máy bay đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố mạng.
Theo đó, mạng máy tính chính của máy bay có thể đã bị xâm nhập thông qua điện thoại di động hoặc kết nối USB trong hệ thống giải trí trên máy bay.
"Điểm cốt lõi của giả thiết là kế hoạch (bắt cóc MH370) phụ thuộc vào máy móc chứ không phải con người. Trong hệ thống điện tử điều hành buồng lái có những con chíp. Trong những con chíp này có thể có phần mềm độc hại. Theo đó, các phi công có thể bị đánh lừa rằng họ đang đi đúng hướng nhưng thực ra họ lại bay theo một hướng khác. Hệ thống điều khiển máy bay có vẻ hoạt động trơn tru nhưng thực ra có một hệ thống khác đang điều khiển máy bay", Tiến sĩ Sally Leivesley chia sẻ.
Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini cũng cho rằng, một cuộc tấn công mạng nhắm vào MH370, tưởng chừng như không thể xảy ra, lại hoàn toàn là điều khả dĩ.
Để củng cố giả thiết của mình, Tiến sĩ Leivesley đề cập đến việc thiếu tài liệu về những người đã tiếp cận MH370 trong vài giờ trước khi cất cánh. Chính phủ Malaysia đã công bố dữ liệu về hoạt động bảo trì vào tháng 2, trước thảm kích 1 tháng, nhưng tại thời điểm ngay trước khi máy bay cất cánh, lại không có dữ liệu nào như thế được công bố.
Theo đó, nữ Tiến sĩ cho rằng có thể một kẻ phá hoại nào đó đã lẻn vào máy bay và tiến hành cuộc tấn công mạng. Giả thiết này nghe có vẻ hấp dẫn vì như vậy các cuộc điều tra về những người có mặt trên máy bay sẽ không thu được kết quả như mong muốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.