Nông nghiệp công nghệ cao hút vốn Nhật Bản

Lê San Thứ ba, ngày 17/01/2017 07:00 AM (GMT+7)
Tiềm năng lớn trong nông nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Abe Masayuki (ảnh) – Cố vấn các vấn đề chung Việt Nam – Nhật Bản cho rằng, hoạt động nông nghiệp thời đại ngày nay đã khác trước rất nhiều và phải thay đổi để đón “làn sóng nông nghiệp” đang tới trong vài năm tới.

img

Nhiều doanh nghiệp Nhật quan tâm tới nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: C.C 

img

Đôi nét về ông Abe Masyaki: 
Khi còn là sinh viên đại học Waseda, ông đã lãnh đạo một nhóm sinh viên tham gia hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam với Mỹ. Do yêu mến con người và đất nước Việt Nam, ông đã đến Việt Nam làm việc từ năm 1993. 
Năm 2011 sau khi xảy ra thảm họa sóng thần lớn ở Nhật, ông đã bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt bắt đầu nghiên cứu và triển khai hoạt động liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Từ năm 2017, ông sẽ hợp tác với một công ty lớn của Nhật để đưa kỹ thuật nông nghiệp của Nhật Bản vào áp dụng và triển khai tại Việt Nam.

Qua nhiều năm nghiên cứu về nông nghiệp, ông thấy nông nghiệp Nhật Bản đã có những thay đổi như thế nào?

- Khi thời đại Edo kết thúc (1603-1868), Nhật có khoảng 80% dân số là nông dân, hiện nay nông dân chỉ còn khoảng 200.000 người, nhưng công ty về nông nghiệp tăng lên tới 300.000. Nền nông nghiệp của chúng tôi không còn đơn thuần chỉ là gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và đem bán nữa mà đã chuyển thành thu hoạch, gia công thành các sản phẩm khác để gia tăng giá trị sản phẩm. Ví dụ như từ lúa, gạo làm ra các sản phẩm như sữa gạo, bánh gạo… Hình thức hoạt động cũng không phải là những nông dân đơn lẻ nữa mà là thành lập các công ty, trong đó có robot làm những công việc đòi hỏi tính xác và công nghệ cao, sử dụng rất ít lao động.

Nông nghiệp Nhật Bản cũng chia ra theo các cách thức sản xuất là nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên do ngài Fukuoka Masanobu khởi xướng. Nông nghiệp không hoá chất và hữu cơ hoàn toàn hữu cơ. Nông nghiệp hạn chế tối đa hoá chất kết hợp hữu cơ. Nông nghiệp sử dụng nhiều thuốc và phân bón hoá học như trước đến nay. Hiện, sản xuất theo phương thức nông nghiệp hạn chế tối đa hoá chất kết hợp hữu cơ là phổ biến nhất ở Nhật. Và nó cũng đỏi hỏi ứng dụng các công nghệ rất cao mới có thể hạn chế tối đa các hoá chất.

Thưa ông, vì sao doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều?

img

Tại Nhật, có khoảng 300.000 công ty nông nghiệp. Ảnh: T.L

- Chúng tôi không chỉ đầu tư Việt Nam mà còn rất nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Indonesia… Tuy nhiên, Việt Nam có lịch sử làm nông nghiệp lâu đời, và Việt Nam khá gần Nhật Bản. Và ngành nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều tiềm năng. Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời cho sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông sản khác nhau; có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn, như ASEAN và Trung Quốc. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đây là một điều quan trọng về chiến lược và kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Đây cũng là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp Nhật Bản để mắt tới Việt Nam.

Vậy các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tập trung vào dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao?

- Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa kiến thức phát triển nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam, xây dựng các quy trình về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, từ đó mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp Nhật Bản.

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao chính là hình thức nông nghiệp hữu cơ. Vì để hạn chế được tối đa hoá chất, bắt buộc phải áp dụng các khoa học kỹ thuật. Hiện, tại Nhật vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi, chưa hoàn toàn là hữu cơ, mà chỉ hạn chế tối đa hoá chất.

Với việc chuyển giao các khoa học kỹ thuật, cũng chưa thể làm ngay được. Chuyển giao công nghệ là làm một cách từ từ. Chẳng hạn ở Đà Lạt, có khoảng 10 công ty Nhật Bản đang đầu tư vào nông nghiệp. Hầu hết các công ty này làm ở đó 10 năm rồi, có doanh nghiệp vẫn chưa thành công. Nhưng họ vẫn làm, chuyển giao từ từ để thích nghi với môi trường, đất đai ở Việt Nam.

Thêm nữa để thay đổi nhận thức của người dân về các sản phẩm an toàn cũng cần có thời gian. Lấy ví dụ tại Nhật, năm 1970, ở một vài hệ thống siêu thị đã có một góc nhỏ để bán các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, không thể mở rộng ra được. Vì vấp phải sự phản đối của các công ty phân bón và thuốc BVTV. Và phải mất đến 20 năm, người Nhật cũng mới thay đổi được tư duy, hướng tới dùng các sản phẩm theo hướng hữu cơ. Sự thay đổi này có được là nhờ các bà mẹ đã lên tiếng. Quan tâm tới sức khoẻ của chồng con nên họ đã đấu tranh. Lúc này, giá trị quan của người Nhật mới được thay đổi. Do vậy, các bạn cũng phải cũng phải tự đấu tranh, thay đổi trong suy nghĩ của mình, hướng tới làm ra và sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem