Nông nghiệp công nghệ cao - “nam châm” hút FDI

Ngô Khắc Lịch Chủ nhật, ngày 08/05/2016 13:00 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển rau, hoa nông nghiệp công nghệ cao”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức tại Lâm Đồng ngày 6.5.
Bình luận 0

Thành lập vùng nông nghiệp công nghệ cao

Tại diễn đàn, ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, đến nay tỉnh này có trên 43.000ha đất nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16,4% diện tích canh tác và chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Lâm Đồng. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng ít nhất 30%. Lâm Đồng cũng đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với diện tích với trên 220ha, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư và hoạt động rất hiệu quả. Doanh thu từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại đây đạt từ 1-3 tỷ đồng/ha.

img

Sản xuất hoa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfarm (Lâm Đồng).  Ảnh: N.K.L

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương cho biết, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bình Dương đang tăng rất mạnh, quy mô sản xuất ngày càng nhân rộng, hiện có trên 1.500ha rau, hoa theo mô hình này. Đặc biệt, từ năm 2010 Bình Dương đã hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã An Thái, huyện Giao Phú với quy mô 411ha. Đến nay, khu đã có 10ha cây dược liệu, 10ha rau an toàn, 180ha chuối, diện tích còn lại trồng cây ăn trái và hoa cây cảnh. Doanh thu từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng ít nhất 2 lần so với phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường (Bộ NNPTNT), đến nay trên cả nước đã hình thành được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại những địa phương có lợi thế, tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng (sản phẩm chủ yếu là cây lúa), tại đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (rau, hoa, chè, hồ tiêu, hạt điều)… Giai đoạn 2016-2020 những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này sẽ triển khai các nhiệm vụ trình diễn, ứng dụng công nghệ cao  và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành NNPTNT sẽ đẩy mạnh hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương, chú trọng đến các vùng sản xuất tập trung hay một vài loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài

“Thực tế cho thấy, nền nông nghiệp Đà Lạt – Lâm Đồng có được bước phát triển vượt bậc như hiện nay phải nói là có công rất của các doanh nghiệp nước ngoài. Khi vào Lâm Đồng đầu tư sản xuất, họ đã đem theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao… Nông dân Lâm Đồng học tập được ở họ rất nhiều”.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu hàng đầu trong phát triển kinh tế, nhiều năm qua Lâm Đồng luôn chủ động, tiên phong, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao. Trong đó, Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến các chủ thể là người nước ngoài, có tiềm lực về kinh tế, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện Lâm Đồng đã thu hút được 70 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số vốn 500 triệu USD (vốn FDI). Lâm Đồng cũng đã ký kết hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đâu tư trong nông nghiệp.

“Thực tế cho thấy, nền nông nghiệp Đà Lạt – Lâm Đồng có được bước phát triển vượt bậc như hiện nay phải nói là có công rất lớn của các doanh nghiệp nước ngoài. Khi vào Lâm Đồng đầu tư sản xuất, họ đã đem theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao… Nông dân Lâm Đồng học tập được ở họ rất nhiều”- ông Phạm S nhấn mạnh.

Theo ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP, sự xuất hiện các các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… trong lĩnh vực nông nghiệp đã thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp trong nước phát triển theo hướng hiện đại, buộc người làm nông nghiệp trong nước phải đổi mới tư duy sản xuất theo ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao nhằm tăng khả năng cạnh tranh với họ. “Điều này rất có lợi cho người tiêu dùng bởi những sản phẩm bẩn, kém chất lượng sẽ dần dần bị đào thải và sẽ không cò chỗ đứng”- ông Cường cho biết. 

Tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia một lần nữa khẳng định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Chúng ta mới chỉ bắt đầu làm quen với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng đã đạt được những kết quả rất to lớn. Chắc chắn rằng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp nước nhà”-TS Thông chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem