Nóng: Phát hiện hành tinh kỳ lạ trôi dạt trong vũ trụ

Thứ năm, ngày 10/10/2013 19:10 PM (GMT+7)
Các nhà thiên văn học của Mỹ đã phát hiện hành tinh kỳ lạ có tên PSO J318.5-22 hình thành khoảng 12 triệu năm trước. Hành tinh này không quay quanh ngôi sao chủ mà trôi tự do trong không gian, cách Trái đất 80 năm ánh sáng và có khối lượng gấp sáu lần sao Mộc.
Bình luận 0
PSO J318.5-22 được phát hiện trong quá trình tìm kiếm các sao lùn nâu bằng cách khai thác dữ liệu từ Pan-TARRS 1 (PS1) - kính thiên văn khảo sát không gian rộng đặt tại Haleakala, đảo Maui, Hawaii (Mỹ).

Tiến sĩ Eugene Magnier của Viện Thiên văn học tại Đại học Hawaii, đồng tác giả nghiên cứu nói: "Chúng tôi thường ví việc tìm kiếm vật thể vũ trụ hiếm giống như tìm kim đáy bể. Chúng tôi quyết định tìm kiếm trên các bộ dữ liệu từ PS1 với 60.000 bức ảnh mỗi đêm. Tổng số các bộ dữ liệu cho đến nay là khoảng 4.000 Terabyte, lớn hơn dữ liệu kỹ thuật số của tất cả các bộ phim, những cuốn sách và album nhạc đã phát hành từ trước tới nay.
img
Hình ảnh mô phỏng PSO J318.5-22 . Ảnh: MPIA/V.Ch.Quetz.

Nhóm nghiên cứu xác định PSO J318.5-22 không phải là sao lùn nâu dựa trên dấu hiệu ánh sáng hồng ngoại của nó, được giải thích là do nó còn trẻ và có khối lượng thấp.

Bằng cách thường xuyên theo dõi vị trí của PSO J318.5-22 hơn hai năm với kính viễn vọng đặt tại Canada - Pháp - Hawaii, nhóm nghiên cứu trực tiếp đo khoảng cách của nó từ Trái đất. Dựa trên khoảng cách này (khoảng 80 năm ánh sáng) và chuyển động của nó trong không gian, nhóm nghiên cứu suy đoán PSO J318.5-22 thuộc về một tập hợp các ngôi sao trẻ được gọi là Beta Pictoris, hình thành khoảng 12 triệu năm trước. Nhưng trên thực tế, các ngôi sao thuộc nhóm Beta Pictoris đều có hành tinh khí khổng lồ quay xung quanh còn PSO J318.5-22 có khối lượng thấp hơn những hành tinh này. Có thể, nó được hình thành theo cách khác.

Trong thập kỷ qua, nhiều hành tinh ngoài Hệ Mặt trời đã được phát hiện với tốc độ đáng kinh ngạc - khoảng 1.000 hành tinh. Tuy nhiên, chúng ta chỉ ghi lại được hình ảnh của một số ít các hành tinh, tất cả đều quay quanh ngôi sao trẻ (ít hơn 200 triệu năm tuổi). PSO J318.5-22 là một trong những vật thể trôi tự do có khối lượng thấp nhất được biết đến. Nhưng điều độc đáo nhất là nó có khối lượng, màu sắc và năng lượng phát ra tương tự như các hành tinh đã được ghi lại trực tiếp.

Tiến sĩ Niall Deacon của Viện Thiên văn học Max Planck tại Đức, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Các hành tinh được tìm thấy bằng hình ảnh trực tiếp rất khó nghiên cứu vì chúng nằm ngay bên cạnh ngôi sao chủ sáng hơn. PSO J318.5-22 không có ngôi sao chủ nên rất dễ nghiên cứu. Nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu các hoạt động bên trong của hành tinh khí khổng lồ (giống sao Mộc) ngay sau khi chúng sinh ra."

Khám phá này được xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal Letters. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là Tiến sĩ Michael Liu thuộc Viện thiên văn học của Đại học Hawaii (Mỹ). Các tác giả quan trọng khác của nghiên cứu bao gồm Katelyn Allers (Đại học Bucknell), Trent Dupuy (Trung tâm thiên văn học Harvard- Smithsonian), Michael Kotson và Kimberly Aller (Đại học Hawaii)


Mai Thủy (theo Sciencedaily) (Mai Thủy (theo Sciencedaily))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem