Nông thôn mới Đắk Lắk thành công lớn từ những việc nhỏ

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 30/11/2018 08:00 AM (GMT+7)
Đến thời điểm hiện tại, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu to lớn. Có thể khẳng định rằng, bộ mặt nông thôn ở Đắk Lắk đã có một diện mạo hoàn toàn mới. Ngoài sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên, ở nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo góp một phần đáng kể cho thành công này.
Bình luận 0

“Góp gió thành bão”

Năm 2011, thực hiện Công văn 258 của Huyện ủy Cư M’gar (Đắk Lắk), xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) đã triển khai vận động cán bộ, nhân dân tiết kiệm nuôi heo đất để ủng hộ người nghèo. Trong năm đầu tiên, cả xã nuôi được 37 con heo đất với số tiền chỉ hơn 17 triệu đồng. Tuy kết quả không như mong đợi, song Đảng ủy xã Quảng Hiệp vẫn xác định đây là cách "góp gió thành bão" để cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành xóa nhà dột nát, xiêu vẹo cho nhân dân.

img

Người dân xã Ea M'Nang, huyện Cư M'Gar chăm sóc những khóm hoa tạo cảnh quan bên đường.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp nói với chúng tôi: "Năm 2011, xã Quảng Hiệp còn đến gần 16% hộ nghèo, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Chính vì vậy, Đảng ủy xã đã xác định việc thực hiện tiêu chí xóa đói giảm nghèo của chương trình NTM là một mục tiêu quan trọng cần được chú trọng hàng đầu. Bởi đời sống nhân dân có nâng lên thì việc thực hiện các tiêu chí khác mới được dễ dàng hơn. Chính vì thế, mặc dù bước đầu cuộc vận động nuôi heo đất tiết kiệm để ủng hộ người nghèo chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng Đảng ủy xã nhận định đây là một cách làm hay, dễ nhân rộng. Do đó, các năm sau, việc triển khai vận động nuôi heo đất vẫn được thực hiện một cách quyết liệt. Nhờ đó, cuộc vận động ở các năm sau luôn đạt kết quả cao hơn năm trước, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Tính đến cuối năm nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,77% và xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2017".

 Báo cáo của Ban thường vụ UBMTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp cho thấy, cuộc vận động nuôi heo đất đã thu về được hơn 1,647 tỷ đồng (trong đó có hơn 257 triệu tiền quà cho người nghèo). Số tiền này đã dùng để xóa hàng chục ngôi nhà dột nát, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo neo đơn, mua 84 con dê giống cho hộ nghèo. Và đã có hàng chục hộ thoát nghèo bền vững nhờ cuộc vận động nuôi heo đất. "Những hộ nuôi heo đất chỉ "cho ăn" từ 1 - 2 ngàn đồng mỗi ngày nhưng từ những đồng tiền tưởng chừng rất nhỏ ấy đã làm nên được rất nhiều việc lớn. Hiện nay, cuộc vận động này đã trở thành phong trào, hàng năm cứ vào ngày 17.10, xã tổ chức ngày hội đập heo đất. Hiện Huyện ủy đã chọn xã là mô hình điểm để các đơn vị khác học tập và nhân rộng"- ông Đức nói.

Năm 2011, xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) có tỷ lệ hộ nghèo gần 11%, nhiều tiêu chí khác, nhất là tiêu chí về giao thông vẫn còn là nỗi trăn trở lớn của lãnh đạo địa phương. Thế nhưng chỉ 5 năm sau, đến năm 2015, Ea Ô đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và chính thức cán đích NTM vào năm 2016. Trong số 332 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, phát triển sản xuất… người dân đã đóng góp đến 116 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND huyện Ea Kar - khi còn là Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Ea Kar nói với chúng tôi rằng: "Thực ra ở đâu cũng có những thuận lợi và khó khăn chung. Vấn đề cơ bản là chúng ta quyết tâm làm và cách làm phải tạo được sự đồng thuận nhất trí cao từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương… đến mỗi người dân. Thực tế trên địa bàn Ea Kar cũng cho thấy rõ địa phương nào vào cuộc quyết liệt thì ở đó người dân đồng thuận cao hơn, phong trào sôi nổi hơn và đạt hiệu quả rõ rệt hơn. Vấn đề cơ bản nhất là chúng ta phải làm thế nào để người dân hiểu được mục đích cuối cùng của chương trình này chính là hướng đến lợi ích thiết thực và lâu dài của người dân".

Thật vậy, xã Ea Ô cán đích NTM một cách nhanh chóng chính là nhờ vào sự đồng thuận của người dân. Có được sự đồng thuận ấy chính là nhờ người dân hiểu rất rõ những lợi ích thiết thực và lâu dài của chương trình xây dựng NTM. Nhờ vậy mà người dân đã sẵn sàng "xắn tay áo" cùng chính quyền địa phương góp công, góp của cùng nhau xây dựng NTM.

Giàu và đẹp

img

Ngày hội đập heo đất ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'Gar ngày càng thu hút được nhiều người dân tham gia.

Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, nhờ việc hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án, mô hình mà ở nhiều địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG). Tại xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân phát động, ngày càng tạo ra sức lan tỏa trong nông dân, trở thành động lực để người nông dân lao động sản xuất, thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững tại từng địa phương. Hàng năm có hàng trăm hộ đăng ký tham gia và được công nhận danh hiệu NDSXG các cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn xã có 1.070 hộ đăng ký SXKDG và hầu hết các hộ đều có mức thu nhập từ trên 200 triệu đồng trở lên, nhiều hộ có mức thu từ 700 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.

Ngoài Ea Tar, ở các địa phương khác cũng xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường. Được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng các dự án), nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi  với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ thi đua làm giàu, phát triển kinh tế cho gia đình, mà ở nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk, người dân còn dành thời gian để "trang điểm" cho quê hương mình ngày càng đẹp hơn. Ở nhiều xã tại huyện Cư M'gar, những năm gần đây, dọc những con đường bê tông rộng rãi, khang trang người dân đã tỉ mỉ trồng những khóm hoa rực rỡ. Từ những mô hình ban đầu, đến nay, toàn huyện đã có 19 con đường hoa xinh đẹp đến ngỡ ngàng. Từ những con đường hoa, người dân nơi đây cũng đã thay đổi nhận thức, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước, luôn có ý thức giữ gìn môi trường sạch sẽ trên đường thôn, ngõ xóm.

Ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, cho biết cùng với việc phát triển sản xuất, người dân cũng chú trọng đến việc phát triển, nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa. Hàng năm, 100% thôn, buôn, tổ dân phố đã tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”, hiện có 350.084/416.806 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 82,44%); toàn tỉnh có 1.779/2.478 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa (đạt tỷ lệ 71,8%). Ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người dân cũng được nâng cao.

Ông Vũ Văn Đông khẳng định: "Sự đồng thuận, đồng lòng, góp công, góp của của người dân đã góp phần đáng kể cho chương trình xây dựng NTM của tỉnh nhà. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào mà người dân đồng thuận cao thì ở đó việc xây dựng NTM càng dễ dàng, hiệu quả. Trong điều kiện còn khó khăn thì việc "góp gió thành bão" chính là cách làm hiệu quả nhất để huy động các nguồn lực đóng góp cho Chương trình xây dựng NTM".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem