Nông thủy sản không đủ bán

Theo Thế giới tiếp thị Thứ sáu, ngày 01/04/2016 16:20 PM (GMT+7)
Giá tuy có tăng đột biến, nhưng việc nguồn cung không đủ cầu khiến chúng ta đang đánh mất cơ hội có một không hai để gia tăng giá trị xuất khẩu…
Bình luận 0

img

Từ hạt lúa, hạt cà phê, tiêu, điều cho đến con tôm, con cá… đều bị mất mùa, hụt sản lượng nghiêm trọng do thiên tai.

Giá tuy có tăng đột biến, nhưng việc nguồn cung không đủ cầu khiến chúng ta đang đánh mất cơ hội có một không hai để gia tăng giá trị xuất khẩu…

Đầu tháng 3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bất ngờ đưa ra thông tin nguyên liệu cá tra phục vụ chế biến, xuất khẩu năm nay chỉ có thể đáp ứng… 50% sản lượng.

Nghĩa là, so với 1,4 triệu tấn nguyên liệu hồi năm ngoái, sản lượng cá tra năm nay chỉ còn đúng 700.000 tấn để chế biến ra khoảng 350.000 tấn thành phẩm phục vụ khách hàng.

Với số lượng như vậy, dự kiến năm 2016, Việt Nam chỉ đủ cá tra để bán vào ba thị trường chính là Mỹ, châu Âu, châu Á chứ không thể cung cấp cho 80 thị trường như năm ngoái.

Ngoài ra, cũng theo đại diện VASEP, nếu cân đối không kỹ thì đến tháng 9 năm nay, các nhà máy không còn cá chế biến.

Ngay sau khi thông tin VASEP phát ra, thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng giá tức thì.

Liên tục trong bốn tuần của tháng 3, giá cá tra tăng điều đặn và hiện đã đạt mức 22.500 – 23.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 đồng so với trước đó.

Một thực tế mà cả người nuôi và doanh nghiệp lần này phải thừa nhận, đó là “sản lượng cá tra thiếu hụt thiệt chứ không phải thiếu giả”.

Tình trạng hụt cá diễn ra ở cả ngoài dân lẫn doanh nghiệp, và đây là trường hợp hiếm khi xảy ra. Vì những năm trước, nếu nông dân không nuôi thì nhà máy phải bỏ tiền đầu tư để có nguyên liệu chế biến.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản An Giang (Agifish An Giang) nói ông đã có nhiều năm gắn bó với con cá tra, nhưng năm nay mới chứng kiến sản lượng thiếu hụt nghiêm trọng đến như vậy.

Trong thời gian hai tuần đầu tháng 3, các nhà máy chạy đôn chạy đáo tìm mua cá mà không có. Nhiều công ty chấp nhận mua cá dưới size xuất khẩu (dưới 800g) để giao cho những hợp đồng đã ký trước đó.

Có công ty không mua được cá thì chấp nhận giảm công suất nhà máy, thậm chí là bẻ kèo với khách hàng.

“Hiện nay, do cá không còn nên ngoài việc tăng giá xuất khẩu thêm 20 – 30%, các doanh nghiệp phải tính toán khi nhận đơn hàng từ tháng 4 trở đi. Có công ty không dám ký hợp đồng nữa”, ông Ký nói.

Cá tra hụt sản lượng xuất phát từ nguyên nhân người nuôi và doanh nghiệp bị thua lỗ triền miên trong suốt hai năm 2014 và 2015.

Tương tự, người nuôi tôm năm 2015 cũng bị kiệt quệ do dịch bệnh đốm trắng và giá tôm xuất khẩu xuống quá thấp nên không còn khả năng đầu tư, khiến sản lượng tôm nguyên liệu không còn nhiều để phục vụ xuất khẩu năm 2016.

Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại dịch vụ Thuận Phước, Đà Nẵng cho biết do hụt sản lượng nên giá tôm nguyên liệu trong nước tăng chóng mặt, vượt cả giá xuất khẩu nên doanh nghiệp không dám ký hợp đồng bán cho khách hàng vì sợ lỗ.

Ông Lê Văn Quang, chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn thuỷ hải sản Minh Phú, cho biết hệ thống nhà máy chế biến tôm của tập đoàn này hiện chỉ duy trì khoảng 80%, trong đó có một phần nguyên liệu phải nhập khẩu từ Ấn Độ.

Do thiếu nguyên liệu nên giải pháp tốt nhất hiện nay với các nhà máy tôm là phải chấp nhận làm gia công, nhập nguyên liệu từ các nước lân cận về chế biến.

Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá tra đạt 237,35 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang một số thị trường lớn đang tăng mạnh, như Mỹ tăng 14,7%; EU tăng 0,4%; Trung Quốc và thị trường Hong Kong tăng 32,6%; ASEAN tăng 9,8% và Brazil tăng 642,7%. Doanh nghiệp cho hay, ngoài yếu tố mùa vụ tác động đến sản lượng nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu giảm ra, thì so với giá một số loài thuỷ sản khác, cá tra Việt Nam vẫn xếp vào dòng rẻ nhất nên được người dùng lựa chọn, nhất là tại Trung Quốc và các nước ASEAN. Giá cá tra bán sang Trung Quốc đã tăng từ 1,5 USD/kg lên 2,2 USD và tại Thái Lan cũng lên 2,3 USD; nhưng rất tiếc doanh nghiệp không đủ hàng bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem