Nóng trong ngày: Võ sư Đoàn Bảo Châu bị Flores "bắt nạt" khi giao đấu?

P.V tổng hợp Thứ ba, ngày 25/07/2017 09:20 AM (GMT+7)
Trên trang Facebook cá nhân, võ sư Đoàn Bảo Châu vừa lên tiếng phủ nhận quan điểm cho rằng võ sư Flores đã bắt nạt mình trong trận “giao lưu võ thuật” vừa qua. Câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Bình luận 0

Bên cạnh đó, tóp chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: "Taxi công nghệ" nổ súng uy hiếp taxi truyền thống; Đạo chích trộm gạch chì chắn tia phóng xạ 7 tỷ đi bán đồng nát gần một năm: Sao không bị phát hiện?; Bà bán tăm kể phút bị đánh bầm dập vì nghi oan bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn: Những người tham gia đánh có bị xử phạt?...

Võ sư Đoàn Bảo Châu: “Pierre Flores không bắt nạt tôi!”

img

Võ sư Đoàn Bảo Châu không cho rằng Flores bắt nạt mình

Những ngày qua, dư luận dậy sóng với những phát ngôn của võ sĩ MMA gốc Việt, Cung Lê. Theo đó, võ sĩ này cho rằng Flores đã không tôn trọng quy tắc võ học khi thách đấu với người già và nhỏ hơn.

Trước thái độ của Cung Lê, võ sư Đoàn Bảo Châu đã phải lên tiếng phủ nhận quan điểm này. Ông cho rằng Flores chẳng hề “bắt nạt” ông. Bởi lẽ, chính ông (cũng như võ sư Trần Lê Hoài Linh) đều chủ động mời Flores “giao lưu” võ thuật.

Võ sư Đoàn Bảo Châu đã có chia sẻ khá dài trên trang Facebook: “Trà, Rượu & Võ

Chúng ta thường phải chọn bạn để thưởng trà và người ấy phải cùng thích trà, biết đánh giá trà ngon ở mức nào, sau trà sẽ là những câu chuyện tâm tình, mở lòng để ta được giao lưu với một tâm hồn khác, trà cũng chỉ là phương tiện cho việc giao lưu sâu sắc này.

Do vậy mà người biết thưởng trà không bao giờ ngồi với người thô lỗ, thích phong cách "zô, zô" ầm ĩ như ở quán bia.

Rượu cũng vậy nhưng có thể còn cao hơn một chút trong chuyện giao tình bởi cả hai sẽ chếnh choáng, suy nghĩ logic sẽ kém đi, nhưng trong lòng sẽ thăng hoa khi cảm thấy sự chếnh choáng của mình được đồng cảm, và những tâm tình sâu kín có thể sẽ tuôn chảy nhiều hơn. Sau ấy, họ cảm thấy yêu quý nhau hơn. Chính vì vậy, tôi chỉ uống rượu với tri kỉ.

Võ lại cao hơn nữa. Người tập võ mời nhau giao đấu trên nền tảng tương đồng về văn hoá và quan niệm về võ, và mặc dù sau đấy có thể có chấn thương nhưng cả hai bên coi đấy là bình thường bởi thể thao nào chẳng có chấn thương. Bởi dễ chấn thương mà vẫn yêu quý nhau sau trận đấu, ấy là một sự giao tiếp rất cao về văn hoá.

Tôi biết võ sỹ Cung Lê rất giỏi. Người Việt Nam nào cũng tự hào về anh nhưng ở đây, với tư cách là người tham gia vào một trận giao đấu với võ sư Flores, tôi cần nói rõ mấy điểm.

Võ sư Flores không "bắt nạt" tôi và võ sư Trần Lê Hoài Linh, cả hai chúng tôi đểu là những người chủ động mời giao lưu và việc ấy là rất bình thường. Người đá bóng, chơi bóng bàn, cầu lông cần thi đấu thường xuyên để rèn luyện, võ cũng vậy.

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đặt vấn đề ăn thua lên trên thì mọi công việc chúng ta đang làm không còn ý nghĩa của võ đạo nữa và chúng ta có thể làm hại phong trào võ thuật bởi người ngoài hay các bậc phụ huynh sẽ không nhìn thấy võ đạo mà chỉ nhìn thấy sự thù hận, bạo lực và sự ăn thua, là sự dẫm đạp lên nhau về danh tiếng.

Từ khi mởi lời giao đấu, có biết bao thanh niên thách đấu và nhục mạ tôi, họ chê tôi võ kém, họ gọi tôi là "thằng già". Tất nhiên là tôi không trả lời bởi như đã nói, giao lưu võ thuật cần sự đồng đẳng về văn hoá, và hơn nữa tôi không thể dạy họ những bài học về võ, tự thái độ và cách sống của họ sẽ mang đến những bài học cần thiết của cuộc đời.

Nhưng cảm giác buồn là có, bởi cái môi trường chúng ta đang sống quả là xấu xí. Tâm lý bầy đàn, tấn công người khác bằng lời lẽ hạ tiện, bẩn thỉu. Những sự việc đau lòng đánh hai người phụ nữ bán tăm vì nghi họ bắt cóc trẻ em, đốt xe ô tô của người buôn gỗ vì nghi họ dùng thôi miên cho chúng ta thấy rằng sự bạo lực trên thế giới ảo hoàn toàn có thể biến thành bạo lực trên đường phố và những góc làng ở nông thôn. Và như vậy thì tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân oan uổng.

Và nếu võ không thể hiện được tinh thần cao thượng của võ đạo, không làm xã hội tốt đẹp hơn thì hoạt động võ ấy là vô nghĩa.

Hơn nữa, suy cho cùng nếu cứ tư duy theo kiểu thắng thua thì tất cả chúng ta sẽ trở thành kẻ thua cuộc khi một ngày nào đấy tuổi tác ập đến.

Và với tư cách là một người bạn của võ sư Pierre Francois Flores, tôi sẽ khuyên bạn là đừng tham gia vào những giao lưu võ thuật mà sự ăn thua, không tôn trọng nhau đã ngáng đường và làm hỏng ý nghĩa của võ đạo đẹp đẽ”.

Trước đó, võ sư Flores từng khẳng định sẵn sàng thượng đài với Cung Lê để phân biệt cái tốt và cái xấu. Thậm chí, ông kêu gọi cả hai không dùng đồ bảo vệ ở trận này.

Được biết, chiều ngày 12.7, cao thủ Vịnh Xuân Pierre Francois Flores đã có cuộc tỉ thí với võ sư karate Đoàn Bảo Châu ở Hà Nội. Trận đấu kéo dài khoảng 4 phút chứng kiến sự vượt trội của Flores. Nói về chiến thắng này, Flores đã khẳng định: "Đây là cuộc giao lưu của tôi với Đoàn Bảo Châu, đây không phải là cuộc thi đấu nên không có chuyện người thắng kẻ thua. Tôi rất cảm phục Đoàn Bảo Châu và tôi cảm phục tinh thần của anh ấy. Chúng tôi sẽ là bạn thân của nhau. Ông Bảo Châu nói trong những ngày tới sẽ dẫn tôi đi thăm thú Hà Nội. Điều đó thật tuyệt. Tôi luôn thích đi các nước để giao lưu võ học, văn hoá”.

 "Taxi công nghệ" nổ súng uy hiếp taxi truyền thống: Chỉ vì đỗ chắn đường?

img

Hiện trường vụ nổ súng. Ảnh: Báo Công an TP.HCM.

Sáng 24.7, một taxi 7 chỗ đỗ trong hẻm 350, Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM, để đón khách. Cùng lúc đó, người đàn ông tên Tuấn, lái taxi công nghệ đi vào trong hẻm. Cho rằng taxi truyền thống đang chặn đường, Tuấn nổ súng thị uy. Nhiều người đặt câu hỏi: Tuấn nổ súng chỉ đơn thuần vì việc đỗ xe hay còn vì mâu thuẫn của xe công nghệ và xe truyền thống?

Đạo chích trộm gạch chì chắn tia phóng xạ 7 tỷ đi bán đồng nát gần một năm: Sao không bị phát hiện?

img

Hai đối tượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: CAND.

Tháng 01.2016, Cảnh và Tài được Công ty bảo vệ Đại Long Phi đã trên 30 lần trộm gạch chì tại bệnh viện ung bướu Kiên Giang, ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành. Tổng số lượng gạch chì bị ăn trộm là gần 3.300kg, trị giá 7 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, liệu công tác quản lý ở đây có lỏng lẻo không khi hai tên trộm lấy đi số lượng lớn hàng hóa trong gần một năm mà không ai biết? 

Bà bán tăm kể phút bị đánh bầm dập vì nghi oan bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn: Những người tham gia đánh có bị xử phạt?

img

Bà Lê Thị Bảy đang điều trị trong bệnh viện. Ảnh: VOV.

Bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), một trong hai người bị nghi oan bắt cóc tại Sóc Sơn, kể: “Họ lao vào đấm đá chị Bảy chảy máu mặt, sau đó một người dân can ngăn. Rồi họ quay sang đánh tôi, bảo tôi là đồng bọn". Liệu những người tham gia đánh có bị xử lý?

Người phụ nữ bán tăm còn lại là Lê Thị Bảy (SN 1977, trú Lệ Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội). Hoàn cảnh của gia đình bà Bảy rất khó khăn. Những người tham gia đánh bà Bảy và bà Phúc sẽ phải bồi thường nhiều? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem