Website Nhật Cường Mobile đồng loạt "biến mất"
Mới đây, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, hai website giới thiệu các sản phẩm Nhật Cường Mobile là nhatcuong.com.vn và dienthoaididong.com đều không truy cập được. Theo phản ánh, tình trạng này đã xuất hiện từ 9/5 và tới hiện tại, 2 website trên vẫn chưa thể truy cập.
Nhật Cường được biết đến là một trong những địa chỉ mua sắm điện thoai di động quen thuộc với khách hàng miền Bắc. Tuy nhiên, sáng 9/5, nhiều cửa hàng của Nhật Cường bất ngờ bị công an khám xét.
Hai website giới thiệu các sản phẩm Nhật Cường Mobile là nhatcuong.com.vn và dienthoaididong.com đồng loạt không truy cập được.
Một số tờ báo đưa tin, ngoài việc khám xét cửa hàng điện thoại Nhật Cường mobile, lực lượng chức năng cũng khám nơi ở của lãnh đạo Nhật Cường tại khu chung cư West Lake (162A đường Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ).
Tổng giám đốc Nhật Cường là ông Bùi Quang Huy (sinh năm 1974). Ngoài sở hữu Nhật Cường, một số tờ báo tiết lộ, ông Huy có tiếng với bộ sưu tập xe sang như Bentley, Land Rover,...
Điện thoại di động bị kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã có kiến nghị gây chú ý là bổ sung một số mặt hàng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Theo UBND TP. HCM, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ này thuộc nhóm khá cao cấp.
Riêng với điện thoại đi dộng, lãnh đạo TP.HCM nêu quan điểm: Tuy đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Tuy nhiên, lên tiếng sau đó, giới chuyên gia cho rằng, đây là đề xuất không hợp lý bởi điều tiết thu nhập của dân cư là việc của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong khi ấy, điện thoại di động là hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng, không phải là hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng.
Vietnam Airlines lần đầu lên tiếng về khoản lỗ 4.000 tỷ của Jetstar
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Vietnam Airlines (VNA), lãnh đạo đơn vị này đã lý giải về khoản lỗ luỹ kế 4.000 tỷ đồng tại Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ cổ phần).
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA, trong số 4.000 tỷ đồng lỗ của Jetstar, có khoảng 2.400 tỷ đồng từ trước thời điểm VNA tiếp nhận Jetstar chuyển sang.
Trong số 4.000 tỷ đồng lỗ của Jetstar, có khoảng 2.400 tỷ đồng từ trước thời điểm Vietnam Airlines tiếp nhận Jetstar chuyển sang.
Theo ông Minh, khi tiếp nhận (năm 2012), tình hình tài chính Jetstar khó khăn, nên phải tái cơ cấu. Để Jetstar hoạt động hiệu quả phải thay toàn bộ máy bay để giảm chi phí, nhưng nếu thế Jetstar sẽ lỗ ngay 700-1.000 tỷ đồng. Bởi vậy, theo ông Minh, chỉ còn cách tái cơ cấu Jetstar dần, để số lỗ phân bổ hàng năm sang VNA và giảm dần.
Lãnh đạo VNA cho biết thêm, từ khi Jetstar thành lập năm 1991 tới năm 2012 hãng này năm nào cũng lỗ. Khi về VNA, lỗ Jetstar giảm dần, tới năm 2014 có lãi 8 tỷ đồng, năm 2015 lãi 112 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2016, Jetstar lại lâm vào khó khăn do tình hình khu vực, nên lỗ; tới hết năm 2018 đã lãi 34 tỷ đồng.
Lại đề xuất đổi "trạm thu phí" thành "trạm thu tiền"
Bộ Giao thông vận tải vừa công bố dự thảo "thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" với khái niệm đáng chú ý là "trạm thu tiền sử dịch vụ sử dụng đường bộ" thay cho "trạm thu phí".
Trước đó, năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã sử dụng tên "trạm thu giá" để thay cho tên gọi "trạm thu phí". Tuy nhiên, ngay sau đó, khái niệm này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận vì cụm từ "trạm thu giá" không có nghĩa.
Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất dùng "trạm thu tiền sử dịch vụ sử dụng đường bộ" thay cho "trạm thu phí".
Nhận xét về cách gọi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó đã lên tiếng: "Không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn, 'trạm thu phí' là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ Giao thông cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết".
Bộ Giao thông Vận tải sau đó đã phải sử dụng lại tên "trạm thu phí" thay vì "trạm thu giá".
Nhóm quyền lực thâu tóm Vinaconex bán 5.300 tỷ trái phiếu bất thành
Công ty TNHH An Quý Hưng và công ty con Công ty TNHH An Quý Hưng Land, (các cổ đông lớn của Vinaconex) đã công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ của hai doanh nghiệp này.
Theo đó, An Quý Hưng đã chào bán 2.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, mệnh giá trái phiếu 1 triệu đồng/đơn vị. Trái phiếu được trả lãi 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ sau lãi suất không thấp hơn mức này, được tính bằng lãi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng cộng thêm 4,5%. Tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành này là 255 triệu cổ phiếu Vinaconex.
Tuy nhiên, công ty đã thất bại trong đợt phát hành này bởi không có một nhà đầu tư nào mua.
Tương tự, An Quý Hưng Land cũng chào bán 2.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, mệnh giá 1 triệu đồng/đơn vị, lãi suất 12%/năm nhưng không ai mua.
Với Vinaconex, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa chốt được ngày họp ĐHĐCĐ thường niên để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Lãnh đạo Vietjet bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tư nhân được ứng xử bình đẳng, công bằng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.