Ông chủ Thiên Minh muốn lập hãng hàng không Cánh Diều
Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị các bộ liên quan thẩm định dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều - Kite Air.
Đây là dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, được thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị các bộ liên quan thẩm định dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều - Kite Air.
Kite Air dự kiến chuẩn bị, xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trong tháng này. Đến quý I năm sau, nếu được thông qua, hãng sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên. Ngoài Kite Air, Vinpearl Air cũng đang gấp rút lên kế hoạch để có chuyến bay đầu tiên vào tháng 7 năm 2020. Ngoài ra, Vietravel với Vietravel Airlines cũng đang rục rịch kế hoạch tương tự.
Về Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh, theo giấy chứng nhận, ông Trần Trọng Kiên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc. Ông Kiên đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu. Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam.
Nóng vụ Nhà máy in tiền Quốc gia lỗ 11 tỷ
Báo cáo tài chính của Nhà máy In tiền Quốc gia cho thấy, doanh thu nửa đầu năm nay của nhà máy ở mức 906 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của Nhà máy In tiền Quốc gia âm hơn 11,2 tỷ đồng.
Lên tiếng sau đó, Nhà máy In tiền Quốc gia cho rằng, Nhà máy là doanh nghiệp công ích, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không giao chỉ tiêu lợi nhuận.
Số lượng, doanh thu và chi phí từ hoạt động in đúc tiền của nhà máy là hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu tiền mặt trong nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ và theo đúng kế hoạch do Thống đốc NHNN giao.
Ngoài ra, theo công ty, toàn bộ các chi phí sản xuất có liên quan được tập hợp, trình NHNN và Bộ Tài chính duyệt quyết toán giá sau khi kết thúc năm tài chính. Do đó, kết quả chênh lệch thu chi giữa kỳ chỉ là số liệu tạm tính, không thể hiện đầy đủ tình hình hoạt động của nhà máy.
Xe ôm, shipper Hà Nội muốn hành nghề phải đeo biển hiệu?
Sở GTVT Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về Quy định quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tượng tự để vận chuyển hành khách, hàng hoá tại HN.
Theo đó, người hành nghề vận chuyển hành khách bằng xe thô sơ phải đảm bảo các điều kiện như đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe đảm bảo điều khiển xe an toàn,... Đáng chú ý, những người này phải phải đăng ký với chính quyền địa phương để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển).
Biển hiệu nói trên được đóng dấu giáp lai ảnh và đeo bên ngực trái của người hành nghề hoặc có trang phục do tổ chức của người hành nghề đăng ký với địa phương.
Một số ý kiến sau đó cho rằng, việc quản lý lĩnh vực vận tải bằng xe 2 bánh cần có lộ trình, nhiều nước trong khu vực cũng đang thực hiện việc này. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng, nếu các tài xế cởi bỏ biển hiệu, áo, mũ đồng phục các cơ quan kiểm tra rất khó phát hiện và xử lý vi phạm.
Thu hồi giấy phép 1 văn phòng đại diện Ngân hàng Trung Quốc tại Hà Nội
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1681/QĐ-NHNN về việc thu hồi Giấy phép Văn phòng đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China Limited) tại Hà Nội.
Theo quyết định này, ngân hàng trên phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động, đóng cửa văn phòng đại diện theo quy định.
Trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc, văn phòng đại diện của ngân hàng Trung Quốc này tại Hà Nội phải công bố quyết định thu hồi giấy phép trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở văn phòng đại diện.
Tiết lộ sau đó trên báo chí, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết hiện Ngân hàng Agricultural Bank of China Limited đã thành lập chi nhánh tại Hà Nội nên việc để Văn phòng là không cần thiết. Đại diện NHNN khẳng định, ngân hàng trên không có vi phạm gì.
NHNN thu hồi giấy phép 1 văn phòng đại diện Ngân hàng Trung Quốc tại Hà Nội.
Theo giấy phép thành lập, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc - chi nhánh Hà Nội có vốn điều lệ 50 triệu USD với thời gian hoạt động là 99 năm. Chi nhánh ngân hàng này đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2018.
Thực hư vụ hóa đơn hải sản khủng 85 triệu đồng?
Tuần qua, mạng xã hội bất ngờ truyền tay nhau hoá đơn thanh toán tại một nhà hàng M.H. trên đường Võ Nguyên Giáp (Quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Số tiền phải thanh toán trên hoá đơn là 85,3 triệu đồng. Các món bị tính tiền cao nhất là tôm hùm, tôm tít, mực ống, nghêu, cá.
Người chia sẻ hình ảnh còn đưa ra khuyến cáo: Các anh đi du lịch Đà Nẵng nên tránh xa cái quán này.
Lên tiếng sau đó trên báo chí, đại diện nhà hàng cho biết, đoàn khách có đến ăn vào ngày 15/8 với khoảng 40 - 50 người. Theo vị này, phía nhà hàng đã niêm yết giá toàn bộ các món ăn. Phía khách hàng lúc ăn cũng đã biết và vui vẻ thanh toán. Giá của tôm hùm cũng là loại nặng hơn 2 kg/con, chứ không phải loại nhỏ.
Do đó, nhà hàng phủ nhận thông tin chặt chém hay lợi dụng khách nước ngoài để tính tiền cao hơn cho khách.
Thị trường tiếp đà tăng điểm trong tuần qua, tuy nhiên VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm khi kết...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.